MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn giảm tổn thất điện, EVN phải đầu tư hàng tỷ USD

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng đến năm 2020 là 6,5% nhưng để làm được phải có vốn đầu tư rất lớn.

EVN hiện chiếm 60% nguồn điện trên tổng số 40.000 MW công suất đặt toàn hệ thống, quản lý vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải, hệ thống phân phối, với 40.000 km đường dây truyền tải và 440.000 km đường dây trung và hạ thế. Yêu cầu giảm tổn thất điện năng là vấn đề được Chính phủ đặt ra với EVN.

Từ mức hơn 10% năm 2010 xuống gần 8% năm 2015, EVN cho biết mục tiêu giảm tổn thất điện năng đến năm 2020 là 6,5%. Với lượng điện sản xuất năm 2015 gần 160 tỷ kWh, cứ 1% tỷ lệ tổn thất giảm xuống là rất quan trọng.

Theo GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện Việt Nam, mục tiêu là tiệm cận đến tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức trung bình; song với các kế hoạch của EVN thì có thể tiến dần đến nhóm nước có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp. Vấn đề khó khăn hiện nay là đầu tư. Muốn giảm tỷ lệ tổn thất điện năng cần đầu tư hệ thống truyền tải.

Tổn thất điện năng trên lưới truyền tải phụ thuộc nhiều vào khâu quy hoạch, nếu đảm bảo được cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ của từng khu vực phụ tải lớn, không mang điện từ khu vực này sang khu vực khác, tổn thất sẽ thấp. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, việc chuyển tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với công suất lớn đã dẫn đến tổn thất tăng cao.

Đó là chưa kể, nhiều công trình đã vận hành liên tục trên 20 năm, đến nay đã xuống cấp, như: TBA 500 kV Hà Tĩnh, Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng, đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1; thiết bị trong các trạm biến áp không đồng bộ, do nhiều hãng chế tạo, dẫn đến khó khăn trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa...

Theo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, trong 5 năm qua đơn vị này đã đưa vào vận hành 213 công trình 220 - 500kV với tổng chiều dài đường dây 8.105 km, tổng dung lượng các máy biến áp đạt 28.426 MVA.

Trong đó, đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông hoàn thành vào năm 2014 đã góp phần cung cấp điện cho miền Nam và tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, vận hành hệ thống điện an toàn, thông suốt và tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Việc nâng cấp, cải tạo cơ bản hệ thống các giàn tụ bù dọc trên toàn bộ tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam từ 1000A lên 2000A cũng tăng cường khả năng truyền tải điện từ Bắc vào Nam, vừa nâng cao năng lực truyền tải điện cho miền Nam vừa giảm tổn thất điện năng trên lưới...

Theo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, ngay trong năm nay 2016 sẽ trình Bộ Công Thương nối thêm mạch trên đường dây 500kV để tăng truyền tải điện từ Bắc – Nam, giảm tổn thất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình nhà máy điện trên hệ thống điện miền nam để giảm công suất truyền tải.

Về đầu tư, trong giai đoạn 2016 – 2020, EVN đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 7.000 MW. Đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực miền Nam.

Tuy nhiên, GS. Long cho rằng trong tương lai cần thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển, nghiên cứu xem ảnh hưởng của năng lượng tái tạo với hệ thống điện như thế nào, để có những biện pháp giảm tổn thất điện năng.

Theo tính toán của EVN, từ nay đến năm 2020 mỗi năm cần đầu tư 7,9 tỷ USD, trong đó 75% đầu tư cho nguồn điện và 25% đầu tư cho lưới điện. Giai đoạn 2021 - 2030 cần tới 10,8 tỷ USD. Với khối lượng đầu tư lớn như vậy thì EVN phải huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước.

C. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên