"Muôn hình vạn trạng" đánh giá "rởm" trên các trang thương mại điện tử
Để có thể xử lý hiệu quả vấn nạn này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị liên quan cũng như chính bản thân người tiêu dùng.
Đa dạng vi phạm trên thương mại điện tử
Dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người mua bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. Tuy nhiên, "chợ" đông mà người quản lý lơ là thì người tiêu dùng mắc bẫy ngay. Thực tế ở các sàn thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái bán công khai chẳng khác gì hàng thật. Thậm chí, việc rao bán những loại hàng này còn ngang nhiên và công khai hơn nhiều so với thương mại truyền thống.
Dio thiếu chữ R - cùng một sản phẩm giày hàng hiệu này nhưng có người bán gần 500.000 đồng, người lại bán có hơn 100.000 đồng. Hay nhãn hiệu N.I.K.E bị viết cách thay vì NIKE. Tạo những đơn hàng ảo không có thật, sử dụng đơn vị vận chuyển thu tiền hộ thông qua hình thức nhận hàng trả tiền. Khách mua sẽ nhận được những món hàng giá trị thấp hoặc hư hỏng.
Những hình thức trục lợi như trên rất phổ biến được ghi nhận trên các sàn thương mại điện tử. Trong năm 2020, riêng sàn thương mại điện tử shopee có tới hơn 53.000 tài khoản người bán bị xử lý vi phạm. 7.600 tài khoản bán hàng giả bị khóa vĩnh viễn với hơn 160.000 sản phẩm.
Mua sắm trực tuyến tiện dụng, nhiều ưu điểm nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra khá thường xuyên. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành phải tìm cách hạn chế nếu muốn khách hàng tiếp tục song hành trong thời gian tới.
Dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người mua bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. Ảnh minh họa - NLĐ.
Vấn nạn đánh giá giả trên thương mại điện tử
Sự trăn trở của người tiêu dùng không phải không có nguyên cớ. Nhất là khi một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp đang khiến lòng tin của mọi người bị lung lay, chao đảo. Khi mua một món hàng online thì người mua thường tìm hiểu sản phẩm đó có đáng tin cậy hay không? Chất lượng ra sao?
Rất nhiều người lựa chọn đọc đánh giá của sản phẩm, qua đó đưa ra quyết định mua hàng của mình. Lợi dụng tâm lý này, nhiều chiêu trò đánh giá giả trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện ngày một nhiều.
Lướt nhanh và gõ từ khóa tìm kiếm "Hội tăng lượt theo dõi bán hàng trên Facebook" sẽ có rất nhiều kết quả hiện ra, như "Tăng Like - Tăng Tương Tác Hỗ Trợ Bán Hàng Online", "Nhóm giúp đỡ nhau tăng tương tác bán hàng online" với mức giá rất đa dạng.
Trung bình mỗi ngày có khoảng vài chục nghìn bình luận xuất hiện trên mỗi trang thương mại điện tử, do vậy khó có thể chặn được hết các review giả. Bài toán công nghệ sẽ tiếp tục cần được tính toán.
Khó có thể chặn được hết các review giả trên các trang thương mại điện tử.
Hiện một số sàn thương mại điện tử áp dụng chính sách cho phép người tiêu dùng chưa cần mua hàng đã có thể bình luận về sản phẩm nhằm cạnh tranh lôi kéo khách hàng. Chính điều này đã khiến cho hội nhóm tạo các bình luận, đánh giá giả hoạt động ngày càng mạnh, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Các hình thức đánh giá giả xuất hiện muôn hình vạn trạng trên các trang thương mại điện tử, hay các trang mạng xã hội. Để có thể xử lý hiệu quả vấn nạn này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị liên quan cũng như chính bản thân người tiêu dùng.
Trong lúc chờ đợi sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, người tiêu dùng hãy thận trọng khi đưa ra quyết định. Tham khảo các đánh giá là thói quen không thể bỏ qua tuy nhiên trải nghiệm và tìm hiểu thực tế liên quan đến sản phẩm thông qua những kênh khác cũng là điều cần làm trong bối cảnh hiện nay.
Thanh toán rất tiện nhưng nhận hàng rất tệ - đó là những gì nhiều khách hàng phản ánh khi mua hàng trên mạng. Thương mại điện tử càng phát triển thì hành vi trục lợi càng tinh vi.
VTV.VN