“Muôn hình vạn trạng” nợ bảo hiểm xã hội
Nợ BHXH diễn ra cả ở DN trong nước và DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với muôn hình vạn trạng khác nhau, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.
- 07-03-2023So sánh kinh tế Việt Nam hiện tại với thời kỳ 2007-2008, chuyên gia chỉ ra những điểm sáng khiến tăng trưởng 2023 có thể được duy trì
- 06-03-2023Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đường giao thông
- 06-03-2023Ổn định việc làm tại chỗ cho lao động miền núi
“Muôn hình vạn trạng” nợ bảo hiểm xã hội - VTV.VN
Những năm gần đây, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã trở thành vấn đề đáng báo động. Thậm chí, nó được ví như "khối u" gây nhức nhối trên thị trường lao động - việc làm.
Các hình thức nợ bảo hiểm xã hội
Đến thời điểm này, số lao động bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên là 2,79 triệu người, chiếm hơn 17% trên tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Tổng số nợ lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Số lao động bị nợ BHXH khó thu hồi là hơn 213 nghìn người. Có rất nhiều hình thức nợ bảo hiểm xã hội như nợ phát sinh (tức là có thời gian dưới 1 tháng), nợ chậm đóng - từ 1 đến 3 tháng. Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, các công ty nợ đóng BHXH từ 3 tháng trở lên thì đã tính là nợ kéo dài.
Nhiều công ty lách luật chỉ nộp BHXH cho những người ốm đau thai sản nhằm tránh tranh chấp lao động tập thể nên những vụ việc nợ BHXH không được phanh phui, dẫn tới số nợ lớn dần, lên tới cả chục tỷ thậm chí trăm tỷ. Khi nhũng khoản nợ đã rất lớn, việc giải quyết lại càng khó khăn.
Nợ BHXH diễn ra cả ở doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với muôn hình vạn trạng khác nhau gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Muôn vàn kiểu nợ bảo hiểm xã hội
Haprosimex từ một công ty nhà nước chuyển sang cổ phần tư nhân. Trước khi chuyển đổi, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu công ty nào muốn mua phải cam kết trả nợ lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhưng sau khi hoàn tất chuyển đổi, công ty mới đã né tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho 488 người lao động bị nợ từ tháng 7 năm 2011 đến nay.
Tình trạng doanh nghiệp đang nợ BHXH của NLĐ hàng tỷ đồng rồi sau đó vẫn tiếp tục mua bán, chuyển nhượng lòng vòng nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm đang đặt ra những tiền lệ rất xấu.
Một kiểu nợ BHXH khác của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam - máy móc cũ, nhà xưởng đi thuê còn chủ DN đã bỏ về nước. Đến nay, gần 200 người lao động tại Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam đóng tại Khu Công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang không biết "bấu víu" vào đâu để đòi được số tiền nợ BHXH lên tới gần 10 tỷ đồng.
Việc xử lý đối với tài sản, công nợ của những doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chủ bỏ trốn vẫn còn lúng túng do thiếu cơ chế và chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là người lao động.
Các cơ chế để xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện nay còn nhiều vướng mắc. Mặc dù, công đoàn được ủy quyền thay người lao động khởi kiện nhưng trên thực tế, việc khởi kiện cũng chưa thành và việc khởi tố hình sự cũng gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn khi xử lý nợ bảo hiểm xã hội
Tình trạng nợ đóng BHXH đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng có xu hướng tăng. Công tác thu nợ gặp nhiều khó khăn do chưa có một chế tài đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Tại tỉnh Bắc Giang, dù đã có cơ chế đánh giá về mức tuân thủ pháp luật lao động của các công ty, nhất là tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá chứ chưa có giải pháp cụ thể.
Đối với các doanh nghiệp mà chủ vắng mặt dài ngày, cơ chế giải quyết quyền lợi cho người lao động vẫn hết sức khó khăn vì doanh nghiệp đã mang hết tài sản thế chấp ở ngân hàng.
Tới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra diện rộng trên toàn quốc và sau cuộc thanh tra sẽ kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội để có biện pháp mạnh với các công ty nợ bảo hiểm xã hội.
Theo các chuyên gia, tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là hành vi cố tình trốn đóng cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Có giải pháp giãn đóng với các doanh nghiệp thực sự khó khăn, song cũng cần có biện pháp xử phạt mạnh, phong tỏa tài sản kịp thời để xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng bảo hiểm; nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Dù đã ban hành nhiều chế tài song chưa thực sự hiệu quả và cuối cùng người lao động vẫn là người chịu thiệt hại. Dù là quyền lợi chính đáng nhưng thực tế lại có rất nhiều người lao động không dám lên tiếng. Bỏ việc thì không đành, chỉ còn cách loay hoay tìm đủ cách để đủ sống - đó là tình trạng của rất nhiều người lao động đang bị nợ bảo hiểm xã hội.
Khổ trăm bề vì bị nợ
10 năm gắn bó với Công ty Cổ phần Haprosimex thì có tới 7 năm vợ chồng chị Trần Thị Thu Hương (tỉnh Phú Thọ) bị công ty nợ lương và BHXH với tổng số tiền khoảng 260 triệu đồng. Hai vợ chồng lại không thể xin được việc do các đơn vị mới đều từ chối vì công ty cũ không chốt sổ BHXH.
Cũng bị thiệt thòi về quyền lợi, sống chật vật do công ty nợ BHXH, chị Lê Thị Là (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết mình phải chạy vạy khắp nơi để trang trải cuộc sống.
Mất quyền lợi hợp pháp vì doanh nghiệp không đóng BHXH nhưng rất nhiều người lao động vẫn âm thầm chịu thiệt mà không dám lên tiếng, vì sợ mất việc làm. Tiếp tục làm việc thì thu nhập không đủ sống, chuyển việc thì không được đóng nối BHXH; thậm chí muốn nghỉ chế độ sớm thì không chốt được sổ hưu do công ty nợ tiền bảo hiểm... đó là tình cảnh của những lao động này ở thời điểm hiện tại.
VTV News