Muốn kiều hối gia tăng thì phải 'tiền đẻ ra tiền'
Theo ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nếu muốn thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam để đầu tư thì phải sinh lời “tiền đẻ ra tiền”, thay đổi tư duy và có cơ chế cho dòng tiền vào - ra.
- 22-05-2023Cách nào để TP HCM thu hút nguồn lực vàng từ kiều hối?
- 06-02-2023Việt Nam trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới
Chiều 29/5, tại UBND TPHCM, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về các giải pháp thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM”, nhằm lấy ý kiến xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”.
Qua mạng trực tuyến, Đại sứ Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cho biết, người Việt Nam sinh sống tại quốc gia này nhiều thứ 2 sau Mỹ, với gần 500.000 người; trong đó có nhiều người trí thức, sinh viên, lao động… Có thể lượng kiều hối từ Nhật Bản gửi về Việt chưa phải là lớn, nhưng với tốc độ tăng trưởng người Việt Nam tại Nhật thì thời gian tới, đây là nguồn lực rất quan trọng để tăng kiều hối.
Điều khiến ông Hiệu trăn trở là làm thế nào để sử dụng hiệu quả kiều hối. Theo ông Hiệu, thống kê kiều hối hàng năm gửi về Việt Nam chưa thống nhất từ các số liệu. Cụ thể, trong năm 2022, Ngân hàng thế giới (World Bank) thống kê kiều hối về Việt Nam là 18 tỷ USD, còn Ngân hàng Nhà nước là 12-13 tỷ USD (chênh nhau 5-6 tỷ USD).
Hiện nay chưa nắm rõ được số tiền này dùng để làm gì, liệu có phải chỉ để chi tiêu hay không? Còn nếu đầu tư thì dùng vào lĩnh vực gì? “Nếu coi đây là nguồn lực đầu tư thì chắc chắn phải sinh lời, phải để “tiền đẻ ra tiền”, có dòng tiền vào - ra. Do đó cần có cơ chế, phải thay đổi tư duy về dòng tiền ra thì mới khuyến khích được dòng tiền vào” - ông Hiệu nhấn mạnh.
Ông Hiệu lý giải, các nhà đầu tư nước ngoài sau khi mang tiền vào tạo công ăn việc làm, tạo của cải cho xã hội thì phần lợi nhuận có được họ mang ra nước ngoài. Các nước đều có khuôn khổ pháp lý về ngoại hối, kiều hối. Nếu đã xác định kiều hối đầu tư thì có chính sách thuận lợi như FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), ưu đãi thuận lợi.
Căn cơ hơn, chúng ta còn phải tính đến việc sửa đổi Luật quốc tịch, Luật đất đai cho kiều bào được mua nhà, sở hữu nhà ở, thậm chí có cả Luật kinh doanh bất động sản… nhằm khơi thông nguồn kiều hối nhiều hơn.
Ông Hiệu cũng cho rằng, TPHCM được Quốc hội cho cơ chế đặc thù, do đó cần có nét nổi bật hơn để thu hút kiều hối, các ngân hàng cần có thống kê, khảo sát để biết được kiều hối về Việt Nam để làm gì đầu tư vào việc gì, nên có số liệu tương đối chính xác để có chính sách phù hợp.
Ở góc độ tài chính ngân hàng, TS kinh tế Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) nhìn nhận, hai năm qua, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hỗ trợ rất ít cho sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu dùng cho tiêu dùng và đầu tư bất động sản.
Ông Hiếu cho biết, kiều hối về TPHCM chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối cả nước. Đây là thuận lợi nhưng cũng là bất lợi cho TPHCM. Về thuận lợi, kiều hối chủ yếu từ kiều bào sinh sống và làm việc tại Mỹ. Nguồn kiều hối này có sự ổn định vì kiều bào tại Mỹ chủ yếu có thu nhập ổn định, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Còn bất lợi là tại Mỹ và châu Âu, lạm phát và lãi suất cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người Việt tại Mỹ. Chính sách thắt chặt tiền tệ có thể sẽ tiếp tục trong năm nay và cả năm sau. Do đó kiều hối năm nay và sang năm có thể sẽ suy giảm. Chưa kể, lượng kiều hối tuôn ra chợ đen cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - cho biết, trong 5 năm gần đây lượng kiều hối trên địa bàn thành phố luôn đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về đạt 4,7 tỷ USD, tăng 8,8%; năm 2019 đạt 5,45 tỷ USD, tăng 15,8%; năm 2020 đạt 6,09 tỷ USD, tăng 11,8%; năm 2021 đạt 7,07 tỷ USD, tăng 16% và năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD, giảm 7%.
“Như vậy, nếu tính tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về tăng 7,6%/năm. Do vậy, cơ sở để tăng trưởng bình quân giai đoạn tới khoảng 10%/năm là khả thi, gắn với sự tăng trưởng các yếu tố tác động đến quy mô nguồn kiều hối chuyển về, trong đó có sự tăng trưởng của lượng lao động Việt Nam tại nước ngoài trong giai đoạn này” - ông Lệnh nói.
Tuy nhiên, để kiều hối tăng trưởng theo kế hoạch, ông Lệnh cho rằng, phải tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, cần đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, làm tốt hoạt động thông tin, tư vấn, chăm sóc khách hàng; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động này, gắn với việc sử dụng ngày càng mở rộng các phương tiện thanh toán hiện đại…
Tiền phong
Sự kiện: FTalk - Chuyên gia talk
Xem tất cả >>- VDSC: Phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, 2024
- Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’
- Liệu có cơ hội đầu tư cổ phiếu bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi giảm sâu?
- Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân 'đổ tiền' vào đâu?