“Muốn làm gì thì làm, ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu”
Khẳng định việc “muốn làm gì thì làm nhưng ổn định kinh tế phải đạt lên hàng đầu,” Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới được dự báo là phức tạp trong năm 2017.
- 06-10-2016Bỏ trần lãi suất: Cân nhắc đến ổn định kinh tế vĩ mô
- 22-04-2016IMF: Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp
- 10-02-2016TS. Cấn Văn Lực: Cần đặc biệt theo dõi 4 biến số liên quan chặt chẽ đến điều hành kinh tế vĩ mô
Thay mặt Chính phủ trình bày kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2017 trong phiên họp Chính phủ trực tuyến sáng 28/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định quan điểm: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô phải là nền tảng của phát triển.
Nhắc lại năm 2016, Phó Thủ tướng cho rằng, kinh tế đã đi qua những “thời tiết” rung lắc dữ dội như sự kiện Brexit, chứng khoán Trung Quốc, FED tăng lãi suất, điều chỉnh chính sách sau bầu cử ở một số nước,…
Với năm 2017, tình hình theo Phó Thủ tướng cũng nhiều diễn biến phức tạp. “FED có thể tiếp tục tăng lãi suất, các nước cũng phá giá đồng tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ, USD tăng giá,” Phó Thủ tướng lưu ý.
Qua đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng, lưu ý kết cấu tín dụng, ổn định lãi suất năm 2017,… Trong những giải pháp này, riêng với lãi suất, Phó Thủ tướng nhận định: “Năm 2017 giữ ổn định lãi suất là thành công rồi.”
Ở hướng khác, với thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp điều hành ngân sách chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu trừ cam kết quốc tế.
Tiết kiệm triệt để là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các cơ quan, địa phương. “Hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt, tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách,” Phó Thủ tướng nói.
Tổng kết lại, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, “thu trong phạm vi nền kinh tế, chi tiêu trong khả năng và vay trong khả năng trả nợ.”
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong năm 2017, cơ quan chức năng dự kiến huy động vốn trái phiếu Chính phủ là 250.000 tỷ đồng. Mức huy động này giảm so với 280.000 tỷ đồng của năm 2016 tuy nhiên ông cho rằng, quá trình này không vì thế mà dễ dàng hơn./.
Vietnam+