Muôn màu bức tranh cá tra Việt Nam
Ít có đất nước nào được thiên nhiên tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản như Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ làm đòn bẩy cho nền kinh tế cả nước, đặc biệt là việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu con cá tra.
- 24-09-2016Giá cá tra có xu hướng tăng trở lại
- 23-09-2016Thận trọng khi xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc
- 15-09-2016Tạm ngừng đăng ký nếu chưa từng xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ
- 12-09-2016Cá tra xuất khẩu đang sụt giảm
Song, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh tổng thể về ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều gam màu tối, cần có hướng giải quyết.
Những bước đi thuận lợi
Dải đất hình chữ S không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn thuận về kinh tế. Bởi Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên tốt để phát triển ngành thủy sản. Với đường bờ biển dài hơn 3.200km và vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng hơn 1 triệu km2. Những điều kiện này góp phần phát triển ngành thủy sản nước ta.
Tổng cục Thủy sản Việt Nam cũng nhận định đó là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là cung cấp lương thực và tạo nguồn thu nhập cho hơn 4 triệu lao động. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua, với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2015 đạt 3.533 ngàn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Góp mặt trong tiến trình đẩy nhanh sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, ngành nuôi trồng và chế biến con cá tra ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp... trong những năm vừa qua là một trong những ngành tiềm năng.
Cá tra Việt Nam là loại cá da trơn vô cùng đặc biệt, bởi từ thịt đến mỡ cá đều mang lại hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, được nhiều người trong và ngoài nước ưa dùng. Nắm bắt được những ưu thế của con cá tra và vai trò của ngành xuất khẩu cá tra trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đầu tư khép kín từ con giống, ao nuôi, đến nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, công nhân lành nghề, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước cá tra đông lạnh cùng bột cá, mỡ cá… có giá trị.
Trong những năm qua, với việc nuôi trồng và xuất khẩu một lượng cá tra lớn, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều bước đi lớn trong con đường kinh doanh. Đó là tin vui cho các doanh nghiệp. Theo thống kê của VASEP, Minh Phú Seafood Corp, Vĩnh Hoàn Corp, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI - thành viên của ASM… là một trong những cái tên đứng đầu top 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam 8 tháng đầu năm 2016.
VASEP cho biết trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng xuất khẩu cá tra đạt 1.084.335.887 USD. Cũng trong thời điểm đó, đối với thị trường Mỹ, sản lượng xuất khẩu cá tra đạt 254,563 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh Mỹ, EU, là những thị trường “vàng” trong việc xuất khẩu cá tra, thì Trung Quốc và Hồng Kông đang được xem là thị trường mới và được Việt Nam quan tâm. Thống kê từ VASEP cũng chỉ rõ sản lượng xuất khẩu cá tra sang 2 nước này trong 8 tháng đầu năm là 171,936 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những số liệu thống kê ấy góp phần bao quát được bức tranh về ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam hiện nay. Quả thật, các doanh nghiệp trong nước đã góp phần đưa con cá tra Việt ra thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, con cá tra Việt Nam phải nỗ lực thật nhiều để vượt qua “phong ba” trong thời gian tới.
Ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết:“Cá tra Việt Nam là “con cá tỷ đô” được nhiều nước săn đón. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong số những vùng có diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch cá tra cao trong nước. Chúng ta có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu tốt để nuôi con cá tra, vấn đề hội nhập cũng tạo điều kiện cho con cá này vươn ra các nước lớn. Tuy nhiên, để cá tra luôn giữ được “phong độ” trong thời gian tới, Việt Nam cần phải khắc phục nhiều lỗ hổng trong kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chế biến, bảo quản, quản lí…”.
Và nhiều rào cản
“Nơi nào không có cạnh tranh, nơi đó không có thị trường”- triết lý kinh doanh này như một kim chỉ nam cho các doanh nghiệp trong nước về ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra trước sự cạnh tranh khốc liệt. Cũng giống như câu “Không có con đường nào dẫn đến thành công mà trải đầy hoa hồng”, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và con cá tra Việt Nam nói riêng phải nỗ lực vượt qua “phong ba”, dẹp “thù trong, giặc ngoài” mới có thể đi trên con đường trải hoa hồng được. Hiện nay, ngành chế biến và xuất khẩu cá tra đang phát triển "nóng", tuy nhiên phải đối mặt với vấn đề nổi cộm được nhắc đến trước hết là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước.
Rất nhiều doanh nghiệp “bán hàng bằng mọi giá”, cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới việc xuất khẩu giảm liên tục. Một kết quả được công bố ngày 4-4-2016, sau đợt khảo sát trực tiếp về tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy có đến 79,4% số hộ nuôi cá tra (cả nuôi thương phẩm và nuôi cá giống) được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Cụ thể, kết quả điều tra 139 hộ nuôi cá tra thương phẩm tại 3 tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang cho thấy, có đến 82,7% số hộ sử dụng kháng sinh. Trong đó, các loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin, Amoxiline,Tetracycline, Sunfa, Doxycycline… cũng được sử dụng phổ biến.
Ngoài ra, nhiều hộ nuôi còn dùng thuốc tăng trọng cho con cá nhằm gian lận thương mại, kiếm lời bất chính. Hành động này đã làm cá nhão, mềm, chất lượng thấp, mất đi hương vị, uy tín chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam. Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, ngày càng nhiều lô hàng xuất khẩu cá da trơn đang bị các nước trả về vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiễm những kháng sinh cấm sử dụng như Malachite Green, Cloramphenicol, Aminosid... Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Nhiều chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của mặt hàng cá tra chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2015. TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhận định hiện tại, chuỗi giá trị phát triển cá tra còn nhiều vấn đề tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong tương lai, trở ngại lớn nhất là cá tra Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản thịt trắng khác như cá tuyết, cá rô phi, cá minh thái...
Một khó khăn nổi cộm gây trở ngại cho việc xuất khẩu cá tra nữa là do những vấn đề liên quan đến thuế bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ. Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản Việt Nam, Đạo luật Farm Bill 2014, từ tháng 3-2016, cá da trơn (catfish) thuộc bộ Siluriformes (gồm cá tra, ba sa…) dù nuôi nội địa hay nhập khẩu đều sẽ chuyển việc kiểm soát từ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) sang FSIS (Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA). Nghĩa là, thay vì kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, sẽ còn kiểm soát cả các vùng nuôi cá tra của Việt Nam. Như vậy, cá tra (kể cả cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt.
Cụ thể, kể từ ngày 1-9-2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ phải được dán nhãn xuất xứ nơi nuôi trồng, xây dựng kế hoạch thú y thủy sản Quốc gia và đặc biệt phải là quốc gia được Mỹ công nhận được phép xuất khẩu thực phẩm thịt vào nước này. Ngoài ra, theo FSIS, cá tra chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về vùng nuôi tại Việt Nam với vùng nuôi tại Mỹ. Quy định này sẽ gây khó khăn cho con cá tra Việt Nam cũng như nhiều loại cá da trơn khác khi muốn xuất sang Mỹ. Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn thực hiện xuất khẩu bình thường sang thị trường Mỹ cho đến ngày 1-9-2017. Tuy nhiên, trước quy định mới khá bất ngờ trên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về các quy định đó để thích ứng với yêu cầu từ phía thị trường Mỹ. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu để không thụ động với từng thị trường.
Không dừng lại đó, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, những tiêu chuẩn phức tạp của quốc tế trong ngành hàng cá tra sẽ là thách thức lớn hơn nữa cho ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra như việc liên kết giữa người nuôi và cơ sở chế biến, mạng lưới xuất khẩu và phân phối lỏng lẻo sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng, môi trường và dịch bệnh. Ngoài ra, ta cần đáp ứng quá nhiều yêu cầu chứng nhận khác nhau như ASC, GlobalGAP... nhưng lại không có sự khác biệt đáng kể về giá bán.
Trong khi, chất lượng cá tra chưa ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lại khá cao với cùng một dạng sản phẩm fillet và luôn tiềm ẩn nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, các nước có xu hướng tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các rào cản TBT/SPS, biện pháp tự vệ, chi phí để đáp ứng TBT/SPS nhiều khi cao hơn cả lợi ích từ việc cắt giảm thuế.
Đó là những vấn đề trở ngại ảnh hưởng không nhỏ đến toàn ngành thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, thịt cá đã fillet của con cá tra có lúc giảm rất thấp, có một số doanh nghiệp xuất với giá chỉ 2 USD/kg. Mà giá thấp thì nhiều người lại nghi ngờ về chất lượng của con cá. Điều này khiến cái nhìn của người tiêu dùng về con cá tra chưa được tốt. Con cá “tỷ đô” này luôn phải đối phó với “bão táp dư luận” từ truyền thông thế giới.
“Con cá tỷ đô” sẽ còn mang lại giá trị nhiều hơn cả “tỷ đô”. Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn là việc mà các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra cần lưu tâm hơn, để cá tra có thể “lặn” sâu hơn vào “đại dương” thủy sản rộng lớn.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính