Muốn nhập ô tô cũng phải cung cấp hồ sơ thiết kế
Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Báo Giao thông đã trao đổi với Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Trần Kỳ Hình về những quy định mới này.
- 17-08-2016Nhập ôtô: Khó xử với Thông tư 20
- 11-08-2016Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20?
Bình đẳng giữa xe nhập với xe sản xuất trong nước
Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư ra đời sẽ siết điều kiện nhập khẩu ô tô. Điều này đúng không, thưa ông?
Dự thảo thông tư mới Quy định trình tự, cách thức thực hiện và hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập khẩu đảm bảo bình đẳng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng, tạo ra hàng rào kỹ thuật đảm bảo an toàn chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ. Do vậy, thông tư này sẽ tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu, kể cả chính hãng và không chính hãng. Chi tiết về thủ tục đăng kiểm điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia bao gồm cả việc đăng ký hồ sơ trực tuyến, trả kết quả trực tuyến tới nhà nhập khẩu và các cơ quan có liên quan.
Điểm mới của thông tư là gì thưa ông?
Dự thảo thông tư bổ sung quy định nhà nhập khẩu cung cấp Hồ sơ thiết kế hoặc tài liệu tương đương đối với xe nhập khẩu có kiểu loại không giống với kiểu loại xe đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận để cơ quan kiểm tra làm căn cứ xem xét, đánh giá và thẩm định nhằm mục đích hỗ trợ nhà nhập khẩu kiểm soát chất lượng phương tiện trước khi nhập khẩu xe.
Đồng thời, bổ sung quy định về hậu kiểm nhằm giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý theo quy định.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Quy định hiện hành không giới hạn việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng từ bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có mức khí thải thấp hơn ở Việt Nam. Do vậy, dự thảo thông tư mới sẽ bổ sung quy định xe cơ giới đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu từ các nước có mức khí thải hiện hành tương đương hoặc cao hơn mức khí thải hiện hành ở Việt Nam.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà nhập khẩu trong triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất.
Tại sao lại phải bổ sung quy định về hồ sơ thiết kế?
Trước hết là để hài hòa trong quá trình chứng nhận chất lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Hiện nay, một số nhà nhập khẩu đặt hàng xe chưa được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận. Khi vào Việt Nam, để được cấp Giấy chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu phải thử nghiệm về an toàn và khí thải (nhưng không có yêu cầu về hồ sơ thiết kế). Trong khi đó, đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước có yêu cầu về hồ sơ thiết kế rồi tiến hành thẩm định, kiểm tra, thử nghiệm theo quy định; Thực hiện việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP). Nếu đạt được các yêu cầu theo quy định thì mới được cấp giấy chứng nhận. Do vậy, việc bổ sung các tài liệu này sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận cũng như hậu kiểm nhằm kiểm soát chất lượng phương tiện chặt chẽ hơn nữa.
Hiện, các đơn vị nhập khẩu đều phải đặt hàng riêng cho thị trường Việt Nam. Các xe này không thể có giấy chứng nhận phê duyệt kiểu loại, không được thừa nhận và đăng ký lưu hành ở nước xuất khẩu. Cho nên, nếu doanh nghiệp muốn nhập khẩu loại xe này vào Việt Nam thì phải chấp nhận các điều kiện như xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Khi xe đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định tương ứng thì mới được cấp Giấy chứng nhận để nhập khẩu và lưu hành, nếu không đáp ứng được thì buộc phải tái xuất”.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Mặt khác, nhà nhập khẩu cũng chủ động kiểm soát trước về chất lượng phương tiện, nguồn gốc linh kiện, xuất xứ sản phẩm, đồng thời biết trước kiểu loại xe dự kiến nhập khẩu hoàn toàn thỏa mãn quy định của Việt Nam với các thông số cụ thể được chứng nhận để có các cách thức chào bán ra thị trường. Đồng thời, chủ động về định hướng phát triển sản phẩm để tiến tới nhập khẩu hàng loạt vì có nhiều trường hợp nhà nhập khẩu đã phải tái xuất xe khi không kiểm soát trước được chất lượng và thông số của xe dẫn đến không phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Không ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh
Việc bổ sung hồ sơ thiết kế có làm tăng chi phí và giá xe, thưa ông?
Việc này còn tuỳ thuộc vào số lượng xe nhập khẩu, nếu số lượng nhiều thì chi phí sẽ không đáng kể.
Việc thực hiện cũng có lộ trình nhất định để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh và chủ động trong hoạt động. Đây chỉ là hàng rào kỹ thuật, không hạn chế quyền kinh doanh. Các doanh nghiệp gắn bó, có tâm huyết và trách nhiệm thì đều vượt qua được hết. “Cuộc chơi” này không dành cho những doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu chụp giật, thiếu chuyên nghiệp.
Tại sao Bộ GTVT lại đưa ra dự thảo thông tư trong thời điểm hết sức nhạy cảm là Thông tư 20/2011/TT-BTC hết hiệu lực thi hành song chưa có quy định thay thế nhằm kiểm soát thị trường ô tô nhập khẩu?
Kế hoạch xây dựng thông tư thay thế Thông tư 31 và 55 đã được Cục ĐKVN đăng ký và được Bộ GTVT phê duyệt vào Chương trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật của năm 2016 từ năm 2015.
Chúng tôi xây dựng thông tư này theo hướng thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra, chứng nhận, căn bản chuyển sang hậu kiểm; Tích cực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chứng nhận phương tiện; Triển khai thủ tục trực tuyến đối với hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thay thế cho hồ sơ giấy đối với các phương tiện nhập khẩu.
Cảm ơn ông!
Báo Giao thông