MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại nhưng có vẻ Tổng thống Trump đang quên mất điều này

25-04-2017 - 14:18 PM | Tài chính quốc tế

CEO Nicholas Pinchuk của Snap-On chỉ muốn ông Trump tập trung vào việc đào tạo kĩ năng việc làm chứ không phải là chuyện visa H1-B.

Tổng thống Donald Trump đã nói rõ: ông muốn mua nhiều sản phẩm do người Mỹ làm và thuê nhiều người Mỹ hơn. Đó là một phần trong chiến lược giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn rất ì ạch trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông đã nói rất ít về “chất liệu” chủ chốt để thật sự vực dậy tăng trưởng, đó là chưa đề cập tới cuộc sống của người lao động: kĩ năng việc làm và chương trình đào tạo.

Đó có thể là vì bộ máy của ông hiện đang đề xuất cắt giảm ngân sách liên bang dành cho các chương trình đào tạo, dù họ không cho biết con số đó sẽ là bao nhiêu. Họ muốn các tiểu bang, thành phố lớn lẫn nhỏ phải cùng chia sẻ trong việc cung cấp ngân sách cho các chương trình đào tạo việc làm.

Đây là một quan điểm hoàn toàn trái ngược so với người tiền nhiệm, khi ông Obama từng phá kỉ lục chi tiêu liên bang dành cho đào tạo việc làm và học việc.

Nó cũng không “đồng điệu” với quan điểm của các chuyên gia kinh tế và giới chủ. Chẳng hạn, khi tới Kenosha, Wisconsin, để quảng bá cho khẩu hiệu “Buy American, Hire American” của mình, ông Trump nói với một đám đông các sinh viên kĩ thuật và công nhân sản xuất tại các trụ sở chính của Snap-On rằng: “sắc lệnh mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ mà tôi sắp ký sẽ bảo vệ các nhân công và sinh viên như các bạn”.

Tuy nhiên, CEO Nicholas Pinchuk của Snap-On chỉ muốn ông Trump tập trung vào việc đào tạo kĩ năng việc làm chứ không phải là chuyện visa H1-B. Là người đứng đầu công ty sản xuất dụng cụ này, ông biết vấn đề đó đang nằm ở đâu. “Cách tốt nhất để làm cho nước Mỹ thành công là trang bị người lao động với những năng lực kĩ thuật mà giúp cho họ có thể chiến thắng tại các cuộc so tài toàn cầu về sự thịnh vượng”, Pinchuk phát biểu trên trang web của công ty.

Pinchuk không phải là người duy nhất nghĩ như thế. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ, và cũng là đương kim Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed), bà Janet Yellen, đã nhấn mạnh điểm đó trong một bài phát biểu hồi tháng 3. “Các chương trình giáo dục và đào tạo mà dẫn đến mức lương tốt hơn và công việc ổn định hơn là rất quan trọng đối với những không có bằng đại học, đặc biệt là với những công nhân có thu nhập thấp hơn”, bà nói.

Nói một cách ngắn gọn, nghiên cứu, thực tế và các chuyên gia cho thấy rằng kĩ năng việc làm và đào tạo – chứ không phải việc hạn chế visa H1-B – là giải pháp của nhiều vấn đề cho người lao động Mỹ. Chẳng hạn như, các công nhân khai thác than đá trước đây ở Pennsylvania đang học lập trình máy tính – một kĩ năng đang có nhu cầu cao – tại một chương trình tái đào tạo miễn phí có tên là Mined Mines, của một tổ chức phi lợi nhuận.

Trong tháng 2, nước Mỹ đã có 5,7 triệu việc làm mới, gần bằng với mức cao nhất mọi thời đại. Đó là tin vui vì giới chủ đang thuê người trở lại, nhưng cũng là tin buồn vì điều đó có nghĩa là giới chủ không thể tìm được nhân viên có kĩ năng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của họ.

Ông Trump chỉ đề cập sơ đến kĩ năng việc làm hôm thứ Ba tuần trước, khi nói rằng Bộ trưởng Bộ giáo dục Betsy DeVos “đang tìm cách để bảo đảm rằng người lao động được đào tạo cho các công việc kĩ thuật cao, điều mà sẽ chắp cánh cho nước Mỹ trong tương lai”.

Ông Trump cũng nhắc tới “phát triển lực lượng lao động và đào tạo nghề” - những từ rất quan trọng – khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến viếng thăm Mỹ hồi tháng 3.

Dẫu vậy, khi ông Trump nhắm tới việc cắt giảm chi tiêu chính phủ thì việc cung cấp tiền cho các chương trình học việc và đào tạo việc làm lại không được ủng hộ.

Các chương trình đào tạo việc làm liên bang trước giờ đã có vấn đề. Nghiên cứu năm 2012 của Bộ lao động Mỹ đã phát hiện ra những yếu kém trong các chương trình đào tạo việc làm cho người lao động bị mất việc do cơn lốc thương mại tự do. Người lao động đã phải làm những công việc họ không mong muốn hoặc có mức lương không bằng những công việc trước đó.

Dù đó mới chỉ là nghiên cứu dành cho một loại chương trình đào tạo việc làm nhưng cả những người theo phe tự do lẫn bảo thủ đều có khuynh hướng đồng ý rằng hầu hết các chương trình đào tạo việc làm và học việc là hết sức quan trọng đối với việc làm dành cho tầng lớp trung lưu, đặc biệt là đối với những ai không có bằng đại học.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng đã không đưa ra lời bình luận nào về điều này.

Tuy nhiên, điều hi vọng ở đây là chi tiêu liên bang vẫn chưa ngưng hoàn toàn. Hôm thứ Tư vừa qua, bộ lao động Mỹ đã chấp thuận tài trợ 3,2 triệu USD cho các chương trình đào tạo và tái tuyển dụng dành cho những người bị mất việc ở California.

Thanh Hải

CNN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên