MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ có 1 nơi không thuộc điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, khi bị tấn công sẽ 'không ai cứu'

01-04-2024 - 21:50 PM | Tài chính quốc tế

Hầu hết cư dân Hawaii cũng không biết rằng, về mặt lý thuyết, bang này sẽ không thể nhận được sự bảo vệ của NATO.

CNN ngày 30/3 đưa tin, chỉ có 49 trong số 50 bang của Mỹ được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ tập thể tại Điều 5 Hiến chương NATO. Vì lý do địa lý và lịch sử, bang Hawaii "về mặt kỹ thuật" không nằm trong phạm vi các điều khoản của NATO.

Nói cách khác, nếu một thế lực nước ngoài tiến hành cuộc tấn công vào Căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng hoặc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở phía tây bắc thành phố Honolulu - thủ phủ của Hawaii, các thành viên NATO khác không có nghĩa vụ phải bảo vệ căn cứ đó.

Mỹ có 1 nơi không thuộc điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, khi bị tấn công sẽ 'không ai cứu'- Ảnh 1.

Hawaii là bang duy nhất của Mỹ không nằm trong phạm vi điều khoản phòng thủ của NATO.

David Santoro - Chủ tịch tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Honolulu - cho biết, hầu hết cư dân Hawaii cũng không biết rằng, về mặt kỹ thuật, bang này không hề có sự liên kết với NATO.

"Mọi người thường nghĩ rằng Hawaii là một phần của Mỹ và do đó được NATO bảo vệ", nhưng ông Santoro chỉ ra rằng, Hawaii nằm ở Thái Bình Dương và không giống như California, Colorado hay Alaska, Hawaii không phải là một phần của lục địa Mỹ vươn tới Bắc Đại Tây Dương trên bờ biển phía đông của nước Mỹ.

"Lý do không đưa Hawaii vào đơn giản vì nó không thuộc Bắc Mỹ", ông Santoro nói.

Theo CNN, Hawaii chính thức trở thành bang thứ 50 của Mỹ vào năm 1959, nhưng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã được ký kết vào năm 1949. Điều 5 Hiến chương NATO quy định rằng "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia ký kết hiệp ước được coi là một cuộc tấn công đối với tất cả các quốc gia ký kết hiệp ước".

Nhưng Điều 6 lại đặt giới hạn địa lý cho "quyền tự vệ tập thể": lãnh thổ của một quốc gia thành viên NATO nằm ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ; ngoài ra, bất kỳ lãnh thổ đảo nào có liên quan đều phải nằm ở Bắc Đại Tây Dương, phía bắc Chí tuyến Bắc.

Theo CNN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Hawaii không nằm trong phạm vi áp dụng điều khoản phòng thủ tập thể tại Điều 5 Hiến chương NATO.

Tuy nhiên, người phát ngôn cho biết, Điều 4 lại quy định rằng, khi "toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh" của bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào bị đe dọa, các quốc gia thành viên sẽ tiến hành tham vấn, việc này sẽ bao gồm mọi tình huống có thể ảnh hưởng đến Hawaii.

Người phát ngôn cho biết thêm, bất kỳ sửa đổi nào đối với Hiến chương NATO để bao gồm Hawaii khó có thể đạt được sự đồng thuận, vì các quốc gia thành viên khác cũng gặp phải "hoàn cảnh đặc biệt" tương tự, tức là sở hữu lãnh thổ ngoài phạm vi quy định tại Điều 5.

Ví dụ, theo CNN, Quần đảo Malvinas/Falklands là lãnh thổ tranh chấp giữa Argentina và Vương quốc Anh trong 200 năm. Vào tháng 4/1982, một cuộc chiến đã nổ ra giữa Argentina và Anh về chủ quyền của quần đảo này, nhưng các quốc gia thành viên NATO khác không tham chiến.

Theo CNN, một số chuyên gia Mỹ cho rằng tình hình quốc tế đã thay đổi kể từ khi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết. Tình hình chính trị hiện tại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể cần phải được xem xét lại, và căn cứ quân sự của Mỹ ở Hawaii có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với Triều Tiên và hỗ trợ đảo Đài Loan (Trung Quốc). Việc loại bang này khỏi hệ thống phòng thủ tập thể của NATO sẽ "làm suy yếu khả năng răn đe của Mỹ".

Ngoài ra, một số học giả cho rằng, Guam - nơi "quan trọng hơn về mặt chiến lược so với Hawaii" - cũng nên được NATO bảo vệ.

Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên