MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đối mặt làn sóng di dân lớn nhất 20 năm

18-03-2021 - 10:01 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ đối mặt làn sóng di dân lớn nhất 20 năm

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết làn sóng di dân lớn nhất 20 năm qua đang gây sức ép lên biên giới Tây Nam của nước này.

Trong thông cáo ngày 16-3 (giờ địa phương), ông Mayorkas cho biết số người từ Trung Mỹ và Mexico muốn vượt biên giới vào Mỹ tăng đều từ tháng 4-2020 tới nay. Nguyên nhân họ ra đi là muốn thoát khỏi nghèo đói, bạo lực và tham nhũng ở Mexico cũng như vùng Tam giác phía Bắc (gồm Guatemala, Honduras và El Salvador). Thêm vào đó, 2 cơn bão gần đây khiến điều kiện sống thêm tồi tệ.

Trong tháng 2, Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã bắt giữ hơn 100.000 người tại biên giới phía Nam, trong đó có 9.500 trẻ em đi một mình. Đây là số liệu hằng tháng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng biên giới năm 2019.

Người trưởng thành đi một mình và những người đi cùng gia đình đều bị trục xuất. Riêng trẻ em không có ai đi kèm, nhiều em chỉ 6, 7 tuổi, được giữ lại để tránh bị rơi vào tay bọn buôn người.

Mỹ đối mặt làn sóng di dân lớn nhất 20 năm - Ảnh 1.

Một người di cư và con trai bị trục xuất khỏi Mỹ hôm 16-3 Ảnh: REUTERS

Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa, bao gồm lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy, cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden kích hoạt cuộc khủng hoảng biên giới trên, theo Reuters. Vào ngày nhậm chức 20-1, ông Biden đã xóa bỏ nhiều chính sách nhập cư cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump, như dừng xây bức tường biên giới và đưa ra lộ trình pháp lý để cấp quyền công dân cho gần 11 triệu người nhập cư đang sống bất hợp pháp ở Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC vài giờ sau thông cáo của ông Mayorkas, Tổng thống Biden gạt bỏ chỉ trích của Đảng Cộng hòa, đồng thời kêu gọi người di cư đừng đến Mỹ. "Tôi nói rất rõ rằng đừng đến đây... Đừng rời bỏ thị trấn, thành phố hay cộng đồng của các bạn" - ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mayorkas, làn sóng di dân tăng mạnh từng xảy ra vào năm 2019, 2014 và trước đó. Vị bộ trưởng này chỉ trích chính quyền ông Trump đã cắt viện trợ dành cho El Salvador, Guatemala và Honduras - vốn được dùng để giải quyết gốc rễ tình trạng di cư như bạo lực và ảnh hưởng của thiên tai.

Theo Hải Ngọc

Người Lao động

Trở lên trên