Mỹ dựng thêm "hàng rào" với công nghệ Trung Quốc: cấm cửa phần cứng và phần mềm Trung Quốc xuất hiện trên xe điện Mỹ
Theo quy định mới được chính quyền ông Biden đề xuất, các phần cứng và phần mềm có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ bị loại bỏ khỏi các xe điện đang chạy trên đường phố Mỹ.
- 24-09-2024Hơn 11 triệu thiết bị Android nhiễm phần mềm độc hại từ Google Play, kiểm tra xoá ngay những ứng dụng này trong điện thoại của bạn
- 24-09-2024Gọi xe công nghệ: “Đốt tiền” là chưa đủ?
- 24-09-2024Tin tặc quốc tế hướng tới tấn công vào doanh nghiệp Việt Nam
Chính quyền tổng thống Biden vừa đưa ra một đề xuất nhằm cấm hoàn toàn phần mềm do Trung Quốc phát triển trong các ô tô kết nối Internet tại Mỹ. Động thái này được cho là vì lý do an ninh quốc gia, do lo ngại các cơ quan tình báo Trung Quốc theo dõi người Mỹ hoặc xâm nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng thông qua hệ thống điện tử của ô tô.
Đây được coi là bước đi cuối cùng trong chuỗi các lệnh cấm sản phẩm Trung Quốc của chính quyền tổng thống Biden, sau vụ cấm thiết bị viễn thông Huawei và điều tra cần cẩu Trung Quốc tại các cảng Mỹ. Kết hợp với các động thái buộc TikTok cắt đứt với công ty mẹ từ Trung Quốc, sáng kiến mới được cho sẽ là một bước quan trọng để bịt kín các lỗ hổng an ninh mạng lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đang dựng lên một bức màn sắt kỹ thuật số giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trước đó chính quyền ông Biden còn áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc khi cho rằng các sản phẩm này được trợ cấp quá mức, và đồng thời nhấn mạnh rằng điều này là để bảo vệ việc làm tại Mỹ.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, cho biết nhiều công nghệ trên xe thu thập khối lượng lớn dữ liệu về tài xế, kết nối liên tục với thiết bị cá nhân, xe khác, cơ sở hạ tầng và nhà sản xuất, mang lại lỗ hổng và mối đe dọa mới, đặc biệt với xe và linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Ông Sullivan cũng đề cập mối lo ngại về Volt Typhoon, một cuộc tấn công có thể chèn mã độc vào hệ thống điện, đường ống nước và cơ sở hạ tầng quan trọng, có thể được kích hoạt để tê liệt căn cứ quân sự Mỹ trong trường hợp khủng hoảng như xung đột.
Không chỉ lĩnh vực ô tô điện và các công nghệ liên quan, ông Peter Harrell, cựu Giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho rằng lệnh cấm có thể mở rộng sang cả máy bay không người lái Trung Quốc với rủi ro tương tự. Ông nhận định có khả năng chính sách này sẽ tiếp tục dù Trump hay Harris lên nắm quyền.
Lệnh cấm đề xuất sẽ áp dụng cho mọi xe có bánh trên đường từ năm 2027, cấm cả phần cứng tích hợp kết nối từ 2030, loại trừ xe nông nghiệp và khai khoáng. Cho dù Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo thừa nhận chỉ có một số ít xe xuất xứ từ Trung Quốc, Nga đang vận hành trên đường tại Mỹ, nhưng khẳng định đây là biện pháp chủ động bảo vệ người dân, tránh các đối thủ thu thập dữ liệu, thậm chí khống chế xe gây tai nạn, tắc đường.
Bà nhấn mạnh "Đây hoàn toàn là hành động an ninh quốc gia". Quy tắc được đề xuất sau lệnh điều tra của ông Biden về mối đe dọa từ công nghệ trong xe điện Trung Quốc, cũng như các bước hạn chế xe điện Trung Quốc, cho dù điều này có thể cản trở nỗ lực thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch trong nước. Vào tháng 5 vừa qua, thuế với xe điện Trung Quốc đã tăng lên 100% để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước hàng tỷ USD trợ cấp. Chính phủ cũng hạn chế khả năng các công ty Trung Quốc hưởng lợi từ tín dụng thuế cho xe điện.
Sự phổ biến của những hệ thống kỹ thuật số trong xe điện đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định và sản xuất. Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng công nghệ như LiDAR, và các hãng xe Trung Quốc đã phát triển nhiều hệ thống lái tự động tiên tiến nhất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo linh kiện Trung Quốc, thường đến Mỹ qua các nhà cung cấp Mexico hay Canada, tiềm ẩn nguy cơ gián điệp và tấn công mạng.
John Bozzella, Chủ tịch Liên minh Đổi mới Ô tô, cho biết các nhà sản xuất Mỹ sử dụng "rất ít" phần mềm, phần cứng Trung Quốc và ủng hộ quy định ới, nhưng cũng cảnh báo việc tuân thủ yêu cầu mới sẽ là thách thức. Thời gian chuyển tiếp đề xuất có thể không đủ cho một số nhà sản xuất.
Ngoài thuế 100%, các quy tắc mới được dự báo sẽ là rào cản khó vượt qua với các hãng xe Trung Quốc như BYD vốn đang nhắm tới thị trường Mỹ. Sáng kiến của chính quyền Biden thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, hạn chế rủi ro từ công nghệ nước ngoài, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sạch trong nước. Tuy nhiên, nó cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Trung, nơi những bức tường kỹ thuật số ngày càng được dựng lên giữa hai cường quốc.
Thanh niên Việt