Tin tặc quốc tế hướng tới tấn công vào doanh nghiệp Việt Nam
Các nhóm tin tặc đã hướng tới thị trường Việt Nam vì "đánh hơi" được doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chi rất nhiều tiền để chuộc dữ liệu.
- 24-09-2024Người tiêu dùng Việt tự tin mua sắm online, chi tiêu quốc tế, dự báo quy mô nền kinh tế số vượt 52 tỷ USD trong năm 2025
- 24-09-2024Giả danh cán bộ của Bộ Công an, lừa đảo hơn 10 tỷ đồng
- 24-09-2024Giả danh Samsung chính hãng, lừa bán tai nghe Bugs 2 Pro chỉ 599.000 đồng
Ngày 24-9, tại TP Cần Thơ, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam, Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức hội thảo "An toàn thông tin trong chuyển đổi số".
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Đây là vấn đề mang tính quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi tổ chức trong thời đại số, được Đảng, nhà nước hết sức quan tâm.
"Đây là chủ đề nóng, thời sự, trong bối cảnh các quốc gia, tập đoàn công nghệ hàng đầu quan tâm, dành những nguồn lực khổng lồ cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI, trong đó có Việt Nam" - ông Nguyễn Minh Hồng nói.
Báo cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy những rủi ro chính của AI trong an toàn an ninh mạng trên thế giới gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ USD, đối với Việt Nam là 8.000 - 10.000 tỉ đồng, số vụ phản ánh lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng ở mức rất cao với những con số đáng báo động, gây thiệt hại lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Phạm Tuấn An - Phó Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết tin tặc quốc tế thời gian qua tập trung tấn công vào doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2022 có 517.627 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet; năm 2023, hơn 5,5 triệu tài khoản có tên miền .vn bị tấn công ransomware; năm 2024, hàng loạt các vụ tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc như VNDirect, PVOil, VN Post gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
"Các nhóm tin tặc đã hướng tới thị trường Việt Nam vì "đánh hơi" được doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chi rất nhiều tiền để chuộc dữ liệu, và sẽ có rất nhiều cuộc tấn công mạng vào Việt Nam. Nước ta có 78 triệu người sử dụng internet, 2/3 trong số đấy đã bị thu thập và chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân" – ông An nói.
Theo ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận khác về ứng phó với các sự cố, nên chuyển từ ứng phó sự cố từ thế bị động sang chủ động.
Có như vậy, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng nhận diện tấn công ở các giai đoạn khác nhau của một cuộc tấn công mạng, giảm số lượng các cuộc tấn công thành công và giảm thời gian trú ngụ ngay cả khi tấn công thành công và chủ động ứng phó khi sự cố chưa xảy ra.
Người lao động