Mỹ ngậm ngùi đánh mất đồng minh lâu đời vào tay Nga, loại hàng hóa quan trọng bậc nhất thế giới sắp có 'biến' lớn?
Một OPEC mạnh lên dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia và Nga đang nỗ lực đẩy tăng giá dầu, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và suy thoái.
- 10-04-2023‘Canh bạc’ của OPEC: Muốn ‘đánh úp’ để đẩy giá dầu, nhưng sẽ sớm vỡ mộng vì thế giới không thể ‘chịu đựng’ mức hơn 100 USD/thùng
- 09-04-2023Đòn bất ngờ của OPEC+ kích hoạt "quả bom" giá dầu: Các nước bị ảnh hưởng nặng nhất có 1 điểm chung
- 04-04-2023Đằng sau quyết định cắt sản lượng của Ả Rập Xê Út cùng OPEC+: Muốn đưa giá dầu lên 100 USD/thùng, cần tiền để tài trợ cho dự án 7 nghìn tỷ USD?
Theo Bloomberg nhận định, liên minh Saudi-Nga hoàn toàn có đủ khả năng để gây ra đủ loại rắc rối cho nền kinh tế Mỹ, thậm chí là cả nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden. Bằng chứng mới nhất là quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ hồi đầu tháng. Đây là lần thứ hai OPEC+ tuyên bố giảm sản lượng kể từ khi ông Biden đích thân bay tới Saudi Arabia vào mùa hè năm ngoái để thuyết phục nước này tăng sản lượng.
Thông báo hôm 2/4 của OPEC+ đã khiến giá dầu tăng thêm khoảng 5 USD/thùng. Vì điều này mà nguy cơ suy thoái và lạm phát tăng lên rõ rệt. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nước OPEC lại hưởng lợi. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là động thái của OPEC+ cho thấy những điểm đáng lo ngại về đường đi của giá dầu trong những năm sắp tới.
Trong 1 thế giới mà các liên minh chính trị đang có sự dịch chuyển lớn như hiện nay, Saudi Arabia đang ngày càng rời xa quỹ đạo của Washington. Nước này hợp tác với Nga về vấn đề sản lượng dầu mỏ. Khi Saudi muốn hóa giải căng thẳng với đối thủ trong khu vực là Iran, Trung Quốc lại trở thành cầu nối. Nói cách khác, tầm ảnh hưởng của phương Tây đối với các cường quốc dầu mỏ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Bản thân các nước thành viên OPEC+ đều có những ưu tiên hàng đầu của chính bản thân họ, từ kế hoạch cải tổ nền kinh tế đầy tham vọng của Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman cho đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Bất cứ nguồn thu tăng thêm nào từ dầu mỏ đều có ích.
Hầu hết các chuyên gia phân tích dự báo giá dầu sẽ ở trên mức 80 USD/thùng trong những năm tới, cao hơn đáng kể so với mức giá trung bình 58 USD/thùng trong giai đoạn từ 2015 đến 2021.
Cú sốc giá dầu
18 tháng vừa qua, thị trường dầu thô biến động khá mạnh và có thể chia thành 3 giai đoạn chính. Ngay trước và sau khi Nga chính thức đưa quân tới Ukraine, giá tăng vọt, đạt đỉnh khoảng 120 USD/thùng vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, sau đó giá đảo ngược. Những lo ngại về 1 cuộc suy thoái ở châu Âu, lãi suất tăng mạnh ở Mỹ và các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc đẩy giá xuống quanh mức 75 USD/thùng vào tháng 12 năm ngoái.
Kể từ đầu năm 2023, nhu cầu dầu mỏ bắt đầu hồi phục mà phần lớn là nhờ Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới – mở cửa trở lại. Cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng trước khiến đà tăng bị ngắt quãng, nhưng kể cả trước tuyên bố bất ngờ của OPEC+ thì giá cũng đã nhích lên. Hiện giá đang vào khoảng 85 USD/thùng.
Đối với kinh tế toàn cầu nói chung, nguồn cung giảm và giá tăng là tin xấu. Tất nhiên các nước xuất khẩu dầu lớn đều được hưởng lợi. Còn đối với các nước nhập khẩu (giống như hầu hết các quốc gia châu Âu), giá nhiên liệu đắt đỏ là 1 đòn đánh kép: vừa khiến tăng trưởng bị kéo lùi, vừa khiến lạm phát tăng.
Mỹ lại ở trong vị thế khá đặc biệt. Là nước sản xuất lớn, Mỹ hưởng lợi khi giá tăng. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lạm phát là không hề nhỏ. Theo mô hình tính toán của Bloomberg Economics, mỗi 5 USD tăng lên trong giá dầu sẽ khiến lạm phát Mỹ tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Mức này không quá lớn, nhưng ở thời điểm Fed đang chật vật đưa lạm phát quay trở lại mức 2% thì đó là tin rất xấu.
Có 3 yếu tố lớn nhất đang ảnh hưởng đến diễn biến thị trường dầu mỏ: bối cảnh địa chính trị thay đổi, dầu đá phiến bão hòa và sức chi tiêu mạnh mẽ của Saudi.
Căng thẳng địa chính trị
Trong suốt nhiều thập kỷ, mối quan hệ “đổi dầu lấy an ninh” giữa Mỹ và Saudi vẫn luôn là trụ cột của thị trường năng lượng. Năm 1945, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt đã có cuộc gặp lịch sử với nhà vua Abdul Aziz Ibn Saud, từ đó thống nhất Mỹ sẽ được tiếp cận với dầu mỏ của Saudi, đổi lại đảm bảo hòa bình cho vương quốc này. Tuy nhiên, giờ đây trụ cột đó đang lung lay.
Một loạt sự kiện đã diễn ra. Năm 2018, nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát ngay tại lãnh sự quán của Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc đã khiến các đồng minh phương Tây của Saudi Arabia choáng váng, nhanh chóng biến thành một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử vương quốc này kể từ loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Năm 2019, ông Biden – khi đó là ứng viên Tổng thống – đe dọa sẽ ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia. Năm 2021, khi vừa nhậm chức, ông công bố báo cáo nhấn mạnh thái tử Mohammed phải chịu trách nhiệm trong vụ ám sát nhà báo Khashoggi.
Tháng 10/2022, OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày chỉ 3 tháng sau khi ông Biden tới Riyadh. Nhà Trắng nổi đóa và gọi hành động này là “tầm nhìn hạn hẹp”.
Tháng trước, Saudi Arabia và Iran nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao. Trung Quốc đóng vai trò “môi giới” và thỏa thuận diễn ra ngay tại Bắc Kinh. Saudi còn đồng ý tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải – 1 nhóm do Trung Quốc và Nga dẫn dắt và được coi là đối trọng với các định chế phương Tây.
Dầu đá phiến không còn là bệ đỡ?
Trong quá khứ, giữa các thành viên OPEC+ thường bất đồng vì 1 nghịch lý: họ muốn tăng giá dầu, nhưng lo ngại điều đó sẽ thu hút thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là dầu đá phiến Mỹ. Đây cũng là lý do châm ngòi cho cuộc chiến giá giữa Nga và Saudi Arabia năm 2020.
Nhưng tình thế tiến thoái lưỡng nan đó đã không còn. Tiền lương và lạm phát tăng khiến chi phí sản xuất dầu đá phiến tăng vọt, dẫn đến sản lượng tăng chậm. Và các công ty đang ưu tiên phân phối lại lợi nhuận cho cổ đông thay vì mở rộng sản xuất.
OPEC+ cần tăng ngân sách
Trong khi đó, các nước cũng có những mục tiêu của riêng mình.
Chi phí khai thác dầu ở Saudi khá thấp. Nước này chỉ cần giá ở mức 50 – 55 USD để tài trợ cho nhập khẩu và bù đắp dòng tiền chảy ra nước ngoài. Nhưng Saudi vẫn cần giá dầu ở mức 75-80 USD để cân bằng ngân sách. Thậm chí đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện.
Saudi Arabia có những cam kết khá đắt đỏ với công dân của mình. Chính phủ cần đầu tư mạnh vào những ngành phi dầu mỏ - nơi phần lớn người dân đang làm việc. Dòng petrodollar sẽ chi trả cho điều đó.
Quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia có dự định chi 40 tỷ USD cho nền kinh tế nội địa trong năm nay. Phần lớn được dùng để xây dựng Neom, siêu thành phố mọc lên trên sa mạc với chi phí ước tính lên đến 500 tỷ USD. Để tài trợ, Saudi cần giá dầu tiệm cận mốc 100 USD.
Bất ngờ tháng 10
Mức cắt giảm trên thực tế có thể nhỏ hơn con số hơn 1 triệu thùng mỗi ngày mà OPEC+ đã công bố. Cũng chưa chắc các thành viên sẽ tuân thủ chặt chẽ. Hồi tháng 2, Nga từng tuyên bố cắt giảm nhưng trên thực tế sản lượng mới chỉ bắt đầu giảm từ tuần trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn đồng thuận trung bình giá dầu sẽ ở mức 85 – 90 USD/thùng trong năm nay và năm tới. Điều gì sẽ xảy ra nếu như OPEC+ quyết định cắt giảm thêm một lần nữa, trước bầu cử Mỹ?
Bloomberg ước tính nếu nguồn cung tiếp tục bị cắt giảm và khiến giá dầu lên quanh 120 USD/thùng vào năm 2024, lạm phát Mỹ sẽ lên đến gần 4% vào cuối năm 2024 so với mức dự báo trung bình 2,7%. Dữ liệu cho thấy giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chính trị gia tại các điểm bỏ phiếu.
Tất nhiên, suy thoái sẽ đi kèm với nhu cầu về dầu giảm và giảm bớt phần nào tác động của việc nguồn cung bị cắt giảm. Nhưng tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đang giảm dần và các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ hiện tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới. Trong đó Trung Quốc mua 1 lượng lớn từ Nga và Iran, ở giá chiết khấu và do đó phần nào miễn nhiễm với đà tăng giá. Còn Ấn Độ cũng đang tận dụng thời cơ để mua dầu giá rẻ từ Nga. Nga vừa trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Ấn Độ.
Chu kỳ của thị trường dầu mỏ
Nhìn lại lịch sử, giá dầu cao vẫn thường “gieo mầm” cho thời kỳ giá lao dốc, bởi các công ty hào hứng đầu tư mở rộng sản xuất hòng kiếm lợi nhuận cao và lại gây ra tình trạng thừa mứa. Nếu như trong những năm 1970 một loạt khu vực như Vịnh Mexico, biển Bắc, Siberia và Alaska bùng nổ sản xuất thì bước sang những năm 1980 thế giới lại thừa dầu. Quy trình lặp lại trong những năm 2000, khi dầu đá phiến bùng nổ và cuối cùng giá lao dốc từ năm 2014.
Nhưng lần này chu kỳ đó có thể diễn ra nhanh hơn thường lệ. Các mục tiêu về môi trường buộc nhiều quốc gia phải giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nỗi lo về an ninh quốc gia ở châu Âu cũng có thể dẩy nhanh tiến trình.
Và cũng không có gì đảm bảo Saudi, Nga và các thành viên còn lại của OPEC+ có thể giữ vững cam kết. Khi giá dầu ở mức cao, mọi chuyện đều dễ dàng nhưng khi giá lao dốc, các thành viên sẽ không sẵn sàng hạn chế nguồn cung.
Nhưng chí ít thì ở thời điểm hiện tại, giá của loại hàng hóa quan trọng bậc nhất thế giới đang được thiết lập bởi 1 quốc gia mà Mỹ không còn có thể trông đợi như 1 đồng minh đáng tin cậy như trước đây.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường