MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ nhập siêu hơn 29 tỷ USD từ Việt Nam năm 2016

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình xuất nhập khẩu năm 2016 ghi nhận Mỹ, EU là hai thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam dù chịu tác động từ sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và cú sốc Brexit hồi giữa năm.

Mỹ nhập siêu 29,4 tỷ USD từ Việt Nam

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015.

Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 28,4%, ước đạt 50 tỷ USD trong khi các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 70% ước đạt 123,55 tỷ USD.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết không có nhiều thay đổi về cơ cấu các mặt hàng. Đặc biệt, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước ước đạt 3,47 tỷ USD, giảm 29,2% so với năm 2015.

Riêng dầu thô, giá và lượng xuất khẩu giảm đã làm giảm kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD. Xuất khẩu dầu thô cả năm ước đạt gần 7 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 2,35 tỷ USD, giảm 24,2% về lượng và 36,7% về trị giá so với năm 2015.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 141 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ và chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 34,5 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 18,5 tỷ USD.

Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 22 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2015.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ đứng số 1 về nhập khẩu hàng từ Việt Nam với giá trị 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước. Tiếp đến là EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%.

Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN giảm 4,8%. Chỉ số giá xuất khẩu chung giảm 1,83% so với năm 2015.

Trong năm 2016, Việt Nam cũng nhập khẩu tới 173 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, còn khu vực FDI đạt 102,2 tỷ USD.

Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu từ khu vực châu Á, tăng dần nhập khẩu từ thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta đạt 49,8 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD, Nhật Bản đạt gần 15 tỷ USD, EU đạt 11 tỷ USD, Mỹ đạt 8,7 tỷ USD… Chỉ số giá nhập khẩu cũng giảm 5,35% so với năm trước.

Năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam năm qua vẫn tiếp tục giữ vị thế xuất siêu lớn sang Mỹ với 29,4 tỷ USD, tăng 24,8% so với năm trước. EU đã nhập siêu 22,9 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam, tăng 12,3% so với năm trước.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 20,2 tỷ USD, nhập siêu từ ASEAN là 6,3 tỷ USD.

Doanh nghiệp trong nước nhập siêu 21 tỷ USD

Khu vực FDI xuất siêu tới 21,35 tỷ USD, nếu tính cả dầu thô con số trên sẽ tăng lên 23,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 21 tỷ USD.

"Nhập khẩu của khối FDI tăng 5,1%, cao hơn khối doanh nghiệp trong nước ở mức 4%. Xuất khẩu của khối FDI tăng 11,8%, khối trong nước tăng 4,8%. Điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn”, báo cáo nêu.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Bộ Công Thương cho rằng mức xuất khẩu 8,6% là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Ấn Độ...

Tăng trưởng xuất khẩu tuy cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2015 nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2016 là tăng 10%. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất, khi nhóm này có sự biến động, ít nhiều cũng đã có sự ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và da dày tăng thấp do phải cạnh tranh với các nước khác như Campuchia, Myanmar, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.

Một số nước đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia) nhằm thu hút đơn hàng…

"Nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu ở mức cao, công nghệ và chất lượng hàng hóa ở mức trung bình như Trung Quốc, Đài Loan... sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và toàn chuỗi cung ứng”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Bạch Huệ

VnEconomy

Trở lên trên