MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ phẩm trôi nổi, hàng hiệu không rõ nguồn gốc: Tiền mất, rước bệnh vào thân

07-04-2019 - 14:21 PM | Thị trường

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với nhiều đơn vị chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục tấn mỹ phẩm thương hiệu nổi tiếng trôi nổi trên thị trường. Điều đáng nói, số lượng lớn mỹ phẩm này nếu trót lọt vào các cửa hàng và đến tay người tiêu dùng, nguy cơ mang bệnh từ nguồn mỹ phẩm này rất cao.

“Đột nhập” kho hàng mỹ phẩm thương hiệu nổi tiếng

Theo báo cáo mới đây nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ hàng chục tấn gồm mỹ phẩm, thuốc, rượu và các loại sản phẩm tiêu dùng khác.

Mới đây nhất, cuối tháng 3, Đội QLTT số 26 - Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh Thiết Hường do bà Nguyễn Thị Hường (trú tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm chủ. Qua kiểm tra kho hàng tại phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 7 tấn nguyên liệu thuốc bắc.

Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định kho hàng có 19 vị thuốc bắc như táo mèo, nhân trần, quy nhật, kim tiền, sa sâm, hoa nhài, sài đất, kinh giới, trạch tả, lá sen, quế chi, xạ đen... không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, vào đầu tháng 1, Cục Quản lý thị trường TP.Hải Phòng phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.Hải Phòng phát hiện hơn 1 tấn mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Ngọc Châu (quận Lê Chân) và kho hàng chứa mỹ phẩm thuộc cửa hàng này tại quận Hải An, Hải Phòng.

Hơn 1 tấn mỹ phẩm gồm 32 loại với 15.035 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại như: Dầu xả, sáp, nhuộm tóc, kem massage… mang các thương hiệu nổi tiếng của các nước Nhật Bản, Italy, Mỹ, Hàn Quốc với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 600 triệu đồng. Chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Ngọc Châu - ông Nguyễn Quang Trung - khai báo, số hàng trên được ông mua trôi nổi trên thị trường, có người mang đến chào hàng tại cửa hàng, không có hóa đơn chứng từ đi kèm. Đối với kho hàng chứa mỹ phẩm tại quận Hải An (Hải Phòng), ông Trung đưa vào sử dụng từ tháng 11.2018 để chứa hàng phục vụ bán Tết Kỷ Hợi 2019.

Cũng về các loại sản phẩm này, Đội Quản lý thị trường số 29 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 6 thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ hàng chục nghìn thùng mỹ phẩm có dán “mác” những thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Dior, Chanel, Versace, Armani, Valentino… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng trên.

Hay Đội Quản lý thị trường số 29 - Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và tạm giữ 59.805 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại gồm nước hoa, sữa tắm, kem sữa dưỡng thể, kem dưỡng da tay các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Dior, Gucci, YSL, CK, Versace, Bvlgari, Lancome, Boss, Hugo, Marc Jacob, D&G... không rõ nguồn gốc.

Người tiêu dùng “gánh” bệnh

Có thể nói, những sản phẩm dù mang thương hiệu nổi tiếng nhưng không rõ nguồn gốc, tuồn ra thị trường nếu đến tay người tiêu dùng thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Trước tình trạng nêu trên, phía Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường thêm lực lượng và thường xuyên kiểm tra để hạn chế tối đa việc mua bán các hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với Lao Động, ThS. BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết, chúng tôi thường xuyên khám và điều trị cho các bệnh nhân sử dụng phải mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo BS Hà, bất kể người nào đều có thể bị dị ứng các thành phần trong mỹ phẩm, kể cả mỹ phẩm rõ nguồn gốc hay không. Điều này gây tác hại rất lớn đối với người tiêu dùng. Riêng những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa những chất độc với cơ thể, gây tổn hại da. Một là chất lột tẩy mạnh gây mất sắc tố, gây bỏng, gây sẹo trên da và kích ứng da như bong tróc, rát…

“Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới, trong đó, phải kể đến chất corticoid. Hiện thị trường có rất nhiều sản phẩm chứa chất corticoid nhưng không được ghi rõ, như các loại kem trộn, mủ trôm, ốc sên... Sau khi dùng các sản phẩm này, thời gian đầu thì da đẹp nhưng một thời gian biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng thì sẽ bị mẩn ngứa. Có người bị sau 2 - 3 tháng hoặc vài năm sử dụng. Điều trị các trường hợp này vô cùng khó khăn” - BS Hà cho biết.

Mỹ phẩm hàng nhái, hàng giả còn gây nguy hiểm đến tính mạng khi có những trường hợp phải cấp cứu do dùng mỹ phẩm trên diện rộng như tắm trắng. Khi ủ kem tắm trắng, các chất có trong kem này là phenol hoặc resorcinol có tác dụng trên tim mạch, có thể làm chậm hoặc nhanh nhịp tim. Nhẹ thì không vấn đề gì nhưng với tiền sử bệnh nội khoa, người dùng có thể tử vong.

Theo các bác sĩ, để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, người dân nên mua trong nhà thuốc, mỹ phẩm và nên mua ở đại lý chính thức. Các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên dùng sản phẩm của người khác khi chưa có chỉ định của các chuyên gia chăm sóc da.

Theo Cao Nguyên - Thùy Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên