MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ “rút chân” khỏi TPP, nỗ lực trở thành người dẫn dắt khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc có có đạt được?

Đây là một vấn đề nóng được nhiều học giả, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế thảo luận tại Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo nhận định của các chuyên gia, Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành người khổng lồ về kinh tế. Đặc biệt, trong tình hình hiện tại, khi mà số phận của Hiệp định TPP đang diễn biến ngày một xấu đi, Trung Quốc lại càng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình trong việc thành lập các liên minh kinh tế khu vực, trong đó, đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Hiệp định RCEP do Trung Quốc khởi xướng bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP được nhận định là đang trỗi dậy như là một bản thoả thuận thay thế cho Hiệp định TPP.

Cụ thể, HSBC đang đánh giá RCEP là tia hy vọng mới trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu.

Do đó, đã có nhiều câu hỏi đặt ra, ai sẽ trở thành lãnh đạo khu vực này, liệu có phải là Trung Quốc, đã được đặt ra trong những phiên thảo luận của các chuyên gia.

Trả lời cho vấn đề này, GS. Yunling Zhang, thành viên HĐKH, GĐ Học viện Nghiên cứu quốc tế và KHXH Trung Quốc cho biết Trung Quốc đang đưa ra những mục tiêu, sáng kiến mới và thương thảo với các đối tác khác nhằm hiện thực hoá những hiệp định đó, giúp tạo động lực tăng trưởng.

“Trên thực tế, việc thương thảo rất quan trọng, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy những hiệp định đầu tư, đưa ra những hướng dẫn cơ bản liên quan đến đầu tư toàn cầu, những điều này sẽ được đưa ra trong chương trình nghị sự của WTO, hiện WTO mới chỉ đưa ra những khung khổ cơ bản.”, GS Zhang nói.

Mặt khác, vị GS Trung Quốc này cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vì chủ nghĩa bảo hộ mà chính quyền của ông Donald Trump sẽ thực hiện trong tương lai.

Tuy nhiên, GS. Yukiko Fukagawa đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản) không đồng thuận với ý kiến trên. Theo ý kiến của bà, cho dù thương mại toàn cầu đang giảm, dù cầu đầu tư yếu, giá hàng hoá quốc tế phục hồi chậm và chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước lớn gia tăng… thì Trung Quốc hiện chưa thể dẫn dắt nền kinh tế các nước châu Á - Thái Bình Dương khi TPP đổ vỡ hay trước tư duy kinh tế mới của Tổng thống Mỹ Trump.

"Không có khả năng Mỹ, Nhật Bản và EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, bởi chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa và xuất khẩu đang là thách thức của nước này", GS người Nhật nhấn mạnh.

Mặt khác, bà cũng chỉ ra Trung Quốc hiện đang gặp phải những vấn đề như ngành thép khó khăn, tốc độ tái cơ cấu chậm, thuế chống bán phá giá hàng Trung Quốc tại các thị trường như Mỹ, EU,… mà những điều này đều đang “chống lại” nỗ lực muốn trở thành đầu tàu lãnh đạo của Trung Quốc.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm người lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai phải là toàn bộ các nước trong khu vực, chứ không hẳn là Trung Quốc.

Mặt khác, đối với trường hợp Việt Nam, ông thẳng thắn cho rằng đây là cơ hội và thách thức, vì Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7, còn Trung Quốc là một trong những thị trường có quan hệ thương mại lớn nhất. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, Việt Nam cũng ủng hộ hội nhập,“dù thích hay không thích cũng phải hội nhập, cải cách”.

Trao đổi với chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ bên lề hội thảo, ông nhận định tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn khi xu thế tự do hoá thương mại, đầu tư toàn cầu đang bị cản trở, thậm chí bị chống lại, chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại. Do đó, ông tán đồng với quan điểm của nhiều chuyên gia khi cho rằng các nước cần quay về giải quyết các vấn đề nội tại, phải cải cách trong nước.

Ông Lưu Bích Hồ cho rằng cần tận dụng triệt để các mối quan hệ song phương theo tiêu chuẩn mới, điều kiện mới, rồi mới tiến đến đa phương, dần hình thành các hiệp định tự do, dựa trên nền tảng đã có như TPP. “Nhưng phải tính đến các điều kiện mới!”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết cần thêm thời gian để nghe ngóng, chuẩn bị trước những diễn biến bất thường trong khu vực cũng như trên thế giới.

“Đó cũng là khoảng thời gian để các nước chuẩn bị, trong đó có Việt Nam, cải cách đế hội nhập. Việt Nam vẫn sẽ hội nhập, nhưng là hội nhập với những điều kiện mới. Thời gian chuẩn bị đó không dài lắm, nhưng là cơ hội!”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhận định.

Hoàng Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên