Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tổ chức đấu thầu đất hiếm
Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các động lực cơ bản cho tăng trưởng GDP cũng như cung và cầu ở Việt Nam đều rất mạnh.
Đồng thời, tại buổi họp báo chiều 25/10, Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard khẳng định, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực khai thác đất hiếm.
Về lĩnh vực đất hiếm mà hai nước từng ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ xác định trữ lượng đất hiếm của Việt Nam nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 9, bà Blanchard cho biết, nước Mỹ từ lâu đã có thông lệ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ở mức nhiều nhất có thể, nếu được đề nghị.
“Hỗ trợ kỹ thuật ở đây có thể và thường bao gồm việc hỗ trợ tổ chức đấu thầu để tạo ra sự quan tâm lớn nhất từ các doanh nghiệp đối tác nước ngoài tiềm năng. Nếu Việt Nam quyết định đề nghị hỗ trợ từ chúng tôi trong việc phát triển đấu thầu, chúng tôi sẽ vui lòng cung cấp sự hỗ trợ ấy”, bà Blanchard nói.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể và sẽ là một bên tham gia rất quan trọng với tư cách là đối tác bổ sung trong sân chơi này”, bà Blanchard nhấn mạnh. Nhà kinh tế trưởng cũng nhận định, việc cam kết cải thiện chất lượng môi trường đối với các hoạt động của lực lượng lao động, khiến Việt Nam này trở thành đối tác đặc biệt có giá trị đối với các doanh nghiệp Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, đạt khoảng 22 triệu tấn. Từ nay đến 2030, Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard hiện có chuyến công du qua 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo bà, trọng tâm của chuyến công du là xây dựng một nền kinh tế toàn cầu an toàn hơn, bền vững hơn, toàn diện hơn và thịnh vượng hơn.
Nhà kinh tế trưởng nhận định, Việt Nam là một đối tác không chỉ đồng thuận về mục tiêu và tham vọng mà còn ở sự sẵn sàng, háo hức tham gia, biến hy vọng thành hiện thực.
Bà Emily Blanchard cũng cho rằng các động lực cơ bản cho tăng trưởng GDP cũng như cung và cầu ở Việt Nam đều rất mạnh, mặc dù tình hình trên toàn cầu đang chậm lại.
Các động lực cơ bản của tăng trưởng kinh tế thực sự bền vững trong dài hạn là đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng, sự đổi mới, môi trường quản trị mạnh mẽ.
“Trên tất cả những phương diện này, Việt Nam đã thể hiện động lực phát triển đáng kinh ngạc, không chỉ ở lời nói mà cả bằng hành động”, nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
Bên cạnh đó, bà Blanchard cũng chỉ ra 3 yếu tố có thể giúp Việt Nam tăng cường thu hút FDI của Mỹ: Đầu tư vào con người, đầu tư lưới điện tái tạo, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, con người chính là yếu tố thu hút nhiều công ty tới Việt Nam nên đầu tư vào lực lượng lao động sẽ có vai trò quyết định.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0, khả năng họ được tiếp cận nguồn điện xanh cũng là một yếu tố trong các quyết định đầu tư.
Cuối cùng là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong không gian số, để họ có thể vận hành nền tảng số của mình một cách trơn tru ở mức độ khu vực và thế giới.
Phụ nữ mới