MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ sở hữu kho Bitcoin bí mật trị giá vài tỷ đô, số tiền này đã đi đâu?

21-12-2021 - 20:32 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ sở hữu kho Bitcoin bí mật trị giá vài tỷ đô, số tiền này đã đi đâu?

Chính phủ Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc đấu giá cho kho dự trữ bitcoin, ethereum, litecoin và các loại tiền điện tử khác sau khi thu giữ. Tuy nhiên, những đợt bán đấu giá lại có giá khá thấp so với thị trường.

Chính phủ Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc đấu giá cho kho dự trữ bitcoin, ethereum, litecoin và các loại tiền điện tử khác mà họ thu giữ được. Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đã duy trì việc nhanh chóng bán đấu giá bitcoin và các loại tiền điện tử khác mà họ tịch thu được. 

Tuy nhiên, những đợt bán đấu giá lại có giá khá thấp so với thị trường. Ví dụ, 500 bitcoin mà chính phủ đã bán cho Riot Blockchain với giá khoảng 5 triệu USD vào năm 2018, hiện trị giá 23 triệu USD. 30.000 bitcoin đã đến tay tỷ phú đầu tư mạo hiểm Tim Draper với giá 19 triệu USD vào năm 2014. Giờ con số đó có thể lên tới trên 1,3 tỷ USD.

Chính phủ đã tịch thu tất cả số bitcoin trên, cùng với các tài sản giá trị khác từ các hoạt động tội phạm cấp cao. Tất cả đều được bán giảm giá theo kiểu tương tự. "Đó có thể là 10 chiếc thuyền, 12 chiếc ô tô và sau đó một trong những lô là X số bitcoin được bán đấu giá", Jarod Koopman, giám đốc đơn vị chống tội phạm mạng của Sở Thuế vụ cho biết.

Một trong những vụ tiếp theo là đấu giá số tiền điện tử trị giá 56 triệu USD. Đây là số tiền mà các nhà chức trách đã thu được từ một vụ lừa đảo kiểu Ponzi liên quan đến chương trình cho vay tiền điện tử ra nước ngoài (BitConnect). Không giống như các cuộc đấu giá khác, nơi số tiền thu được sẽ được phân chia lại cho các cơ quan của Chính phủ, tiền mặt từ việc bán tiền điện tử này sẽ được sử dụng để hoàn trả cho các nạn nhân của vụ lừa đảo.

Hoạt động thu giữ và bán tiền điện tử của chính phủ đang phát triển nhanh bởi họ chỉ cần sự trợ giúp của khu vực tư nhân để quản lý việc lưu trữ và bán các mã thông báo tích trữ của mình.

Tịch thu tiền điện tử

Mỹ phần lớn đã sử dụng các công cụ chống tội phạm lỗi thời để theo dõi và thu giữ các đồng tiền số với công nghệ mới, vốn được thiết kế để trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật.

Jud Welle, một cựu công tố viên chống tội phạm mạng liên bang cho biết: "Chính phủ thường đi sau tội phạm vài bước trong đổi mới và công nghệ". Welle nói: "Bạn chỉ được học những kiến thức cơ bản trong quá trình đào tạo". Tuy nhiên, ông dự đoán rằng trong vòng 3 đến 5 năm nữa, "sẽ có các bản hướng dẫn được chỉnh sửa và cập nhật giúp tiếp cận việc truy tìm và thu giữ tiền điện tử". 

Koopman cho biết bộ phận của ông tại IRS thường xử lý việc truy vết tiền điện tử và thông tin tình báo từ nguồn mở, bao gồm điều tra hành vi trốn thuế, khai sai thuế và rửa tiền. Các cơ quan khác có nhiều tiền và nguồn lực hơn tập trung vào các yếu tố kỹ thuật. "Sau đó, tất cả chúng tôi cùng đến khi đã đến lúc thi hành các hình thức cưỡng chế như bắt giữ, tạm giữ hay khám xét. Điều đó có thể được thực hiện trên phạm vi quốc gia hoặc toàn cầu", ông nói.

Nhiều đại diện tham gia giám sát trong quá trình thu giữ. Trong đó có các nhà quản lý, những người thiết lập ví cứng cần thiết để bảo vệ tiền điện tử bị tịch thu.

Trong những năm gần đây, chính phủ đã thu được số lượng tiền điện tử kỷ lục. "Trong năm tài chính 2019, chúng tôi đã có khoảng 700.000 USD tiền điện tử được thu giữ. Năm 2020, con số này lên tới 137 triệu USD. Và cho đến nay, vào năm 2022, chúng tôi thu được 1,2 tỷ USD", Koopman nói với CNBC vào tháng 8.

Khi tội phạm mạng tăng lên, cùng với khối lượng giao dịch cao hơn, kho tiền mã hóa của chính phủ dự kiến sẽ còn phình to hơn nữa.

Đấu giá tiền điện tử

Sau khi hồ sơ kết thúc, Sở cảnh sát Mỹ là cơ quan chính chịu trách nhiệm bán đấu giá các khoản tiền điện tử tịch thu được của chính phủ. Cho đến nay, cơ quan này đã thu giữ và bán đấu giá hơn 185.000 bitcoin, hiện có giá trị khoảng 8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều đồng tiền đã được bán theo lô với giá thấp hơn rất nhiều so với giá tại thời điểm hiện nay.

Việc bán đấu giá tiền điện tử là một trách nhiệm nặng nề mà một tổ chức chính phủ phải đảm nhận. Chính vì lý do đó mà gần đây, Sở cảnh sát Mỹ không còn phải đơn phương gánh vác nhiệm vụ này. Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Mỹ, một cơ quan thường bán đấu giá tài sản liên bang dư thừa, chẳng hạn như máy kéo, đã thêm tiền điện tử bị tịch thu vào danh mục đấu giá vào đầu năm nay.

Vào tháng 7, sau một cuộc tìm kiếm kéo dài hơn một năm, Bộ Tư pháp đã thuê Anchorage Digital có trụ sở tại San Francisco làm cơ quan giám sát các khoản tiền điện tử bị thu giữ hoặc tiêu hủy trong các vụ án hình sự. Anchorage, ngân hàng hoạt động theo điều lệ liên bang đầu tiên về tiền điện tử, sẽ giúp chính phủ lưu trữ và thanh lý tài sản kỹ thuật số này. Hợp đồng trước đây đã được trao cho BitGo.

Sharon Cohen Levin, người từng tham gia trong vụ truy tố Silk Road đầu tiên và đã có 20 năm làm Trưởng bộ phận chống rửa tiền và cưỡng đoạt tài sản của một văn phòng luật sư ở một quận phía nam New York cho biết: "Việc Sở cảnh sát Mỹ đang nhận được sự trợ giúp từ các chuyên gia là một tín hiệu tốt".

Tiền đi về đâu?

Sau khi một vụ án được khép lại và tiền điện tử đã được chuyển đổi để lấy tiền mặt, các cơ quan liên bang sẽ phân chia số tiền này. Số tiền thu được thường được gửi vào một trong hai tài khoản: Quỹ tịch thu tài sản của kho bạc hoặc Quỹ tịch thu tài sản của Bộ Tư pháp.

Sau khi được chuyển vào một trong hai quỹ này, tiền điện tử được thanh lý sau đó có thể được đưa vào nhiều mục khác nhau. Ví dụ, Nghị viện có thể hủy bỏ số tiền và cấp tiền mặt cho các dự án khác. Theo Koopman, các cơ quan cần dùng một phần số tiền trong  quỹ  trên cho các dự án của mình có thể gửi đề nghị lên Văn phòng điều hành ngân khố để cơ quan này xem xét.  Không phải năm nào các đề nghị này cũng được đáp ứng  bởi có có những năm, Nghị viện sẽ  quyết định hủy bỏ tất cả tiền điện tử ra khỏi tài khoản.

Tham khảo CNBC

Minh Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên