Mỹ tăng lãi suất cơ bản lần thứ 9 liên tiếp: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
(HNM) - Giới phân tích nhận định, việc tăng lãi suất lên mức 4,75-5% tuy nằm trong tính toán của FED nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là với ngành Ngân hàng...
- 25-03-2023Citi: Trung Quốc thành ‘nơi trú ẩn tương đối an toàn’ giữa khủng hoảng ngân hàng toàn cầu
- 25-03-2023Elon Musk lại gửi email ‘cảnh báo’ nhân viên…lúc 2 giờ 30 sáng
- 25-03-2023Vụ nghi truy tố ông Doanld Trump: Cựu tổng thống đổi giọng
(HNM) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,25% bất chấp làn sóng khủng hoảng ngân hàng đang gây ra nhiều rắc rối. Giới phân tích nhận định, việc tăng lãi suất lên mức 4,75-5% tuy nằm trong tính toán của FED nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là với ngành Ngân hàng...
Động thái tăng lãi suất cơ bản lần thứ 9 liên tiếp của FED diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ những tháng gần đây đã chậm lại nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn 2%. Thực tế này xảy ra bất chấp chiến dịch thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt khiến lãi suất lên cao hiếm thấy. Trong khi đó, giá tiêu dùng ở Mỹ vẫn đang cao hơn khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì thế, giới chuyên môn cho rằng, việc tăng lãi suất ở thời điểm hiện nay là một dấu hiệu cho thấy FED đang cố gắng cân bằng giữa mối lo ngại về các ngân hàng và tình trạng lo lắng về chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ. Tuy vậy, nỗ lực này mang tới một số lo ngại. Bởi lẽ, tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát nhưng có thể mang đến nhiều thách thức hơn trong lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, việc tăng lãi suất lên mức 4,75-5% tuy nằm trong tính toán của FED, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là với ngành Ngân hàng Mỹ đang đứng trước nhiều bất cập. Trước đây, việc lãi suất tăng đã làm giảm giá trị nắm giữ trái phiếu của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng khan hiếm tiền và sụp đổ khi bị rút tiền ồ ạt. Lãi suất tăng thêm có thể trầm trọng hóa tác động này, khiến các ngân hàng Mỹ đối mặt cùng lúc với hai trở ngại: Vay mượn trở nên đắt đỏ và các khoản đầu tư - gồm cả trái phiếu - bị giảm giá trị. Hai yếu tố này kết hợp lại có thể dẫn đến tình trạng thiếu vốn và có nguy cơ chung số phận như SVB.
Mặt khác, tăng lãi suất liên tục cũng đặt ra nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, khi làm chậm lại một số hoạt động kinh tế như chi tiêu của người tiêu dùng và tuyển dụng, hay thu hẹp hoạt động cho vay của ngân hàng. Với khoản nợ công gần 32.000 tỷ USD, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của chính phủ liên bang khi đáo hạn nợ và có những khoản vay mới. Vì những lý do này, không ít ý kiến kêu gọi, FED dừng tăng lãi suất cho đến khi những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng lắng xuống, đồng thời cân nhắc lại việc kiểm soát lạm phát, tránh tình trạng lạm phát xảy ra cùng lúc với suy thoái như giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, vẫn có quan điểm ủng hộ tăng lãi suất, dựa trên lập luận nhấn mạnh rằng, tăng lãi suất sẽ cho thấy lĩnh vực ngân hàng đủ ổn định để chịu được lãi suất cao hơn. Các ý kiến này nhấn mạnh tới một thực tế là FED từ lâu đã chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giảm lạm phát và tăng lãi suất là một trong số ít công cụ mà FED có thể sử dụng. Thực tế FED đã sử dụng tương đối hiệu quả công cụ này trong suốt năm 2022.
Về phần mình, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, FED đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất nhưng dữ liệu lạm phát và thị trường lao động lại tác động mạnh hơn dự kiến. Người đứng đầu hệ thống tài chính Mỹ cũng cho biết, các ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chứng kiến lãi suất chính sách của xứ Cờ hoa ở mức 5,1%, tương ứng với triển vọng tăng trưởng kinh tế 0,4% và tỷ lệ thất nghiệp 4,5% vào cuối năm nay. Những dự báo này một phần dựa trên cơ sở đánh giá của FED rằng, hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn “khỏe mạnh và ổn định”.
Có thể nói, đợt tăng lãi suất này là một trong những quyết định khó khăn nhất của FED trong những năm gần đây. Dù còn gây tranh cãi, bước đi mới tiếp tục cho thấy FED vẫn đang thể hiện được sự linh hoạt trong ứng phó diễn biến của hệ thống tài chính và nền kinh tế xứ Cờ hoa.
Báo Hà Nội Mới