Mỹ-Trung-EU sẽ lún sâu vào xung khắc: "Điềm dữ" đợi sẵn sau chiến tranh thương mại
Ông Trump cáo buộc EU và Trung Quốc cố tình phá giá đồng tiền của họ, đồng Euro của EU và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
- 25-07-2018Ông Trump đổ thêm dầu vào lửa: "Thuế quan là thứ vĩ đại nhất!"
- 25-07-2018Ông Trump muốn chi 12 tỷ USD giúp nông dân Mỹ vượt chiến tranh thương mại
- 23-07-2018Vì sao Trung Quốc im lặng trước lời đe dọa áp thuế mới nhất của ông Trump?
Cáo buộc của ông Trump
Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, chủ tịch Uỷ ban EU Jean-Claude Juncker đã đạt được thoả thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về giải pháp cho cuộc xung khắc thương mại hiện tại với Mỹ.
Một nội dung trong thoả thuận này là Mỹ và EU không áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với sản phẩm hàng hoá của nhau ngoài những gì đã thực hiện. Thoả thuận này tạm thời giúp hai bên tránh được chiến tranh thương mại nhưng không chấm dứt những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại đã được áp dụng đối với nhau.
Giữa Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều lần đàm phán thương mại nhưng hai bên chưa đạt được kết quả nào. Trước thoả thuận nói trên giữa ông Trump và ông Juncker, ông Trump đã cáo buộc EU và Trung Quốc thao túng và lũng đoạn tiền tệ.
Mới chỉ là cáo buộc thôi nhưng bản chất của nó là chuyện đặc biệt nghiêm trọng và tác động của nó rất mạnh mẽ.
Ông Trump cáo buộc EU và Trung Quốc cố tình phá giá đồng tiền của họ, đồng Euro của EU và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, để thúc đẩy xuất khẩu khiến sản phẩm hàng hoá của Mỹ không thể cạnh tranh nổi và vì thế xuất khẩu của Mỹ bị thua thiệt đồng thời trên cả hai phương diện là nước Mỹ vừa không xuất khẩu được nhiều vừa bị thâm hụt ngày càng tăng trong trao đổi thương mại với EU và Trung Quốc.
Ông Trump còn đặt cáo buộc này vào bối cảnh tình hình đồng USD của Mỹ ngày càng mạnh thêm lên để nhấn mạnh tác động tai hại của việc EU và Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ đối với kinh tế Mỹ.
Không phải vì Mỹ đang xung khắc thương mại với hai đối tác này mà ông Trump cáo buộc họ thao túng và lũng đoạn tiền tệ. Người này thực ra luôn nghĩ như vậy và sẽ công cụ hoá nó vào thời điểm nó có giá trị nhất cho mục tiêu chính trị của mình.
Mối quan hệ Mỹ - EU - Trung Quốc
Cáo buộc như thế rất nặng nề và làm cho mối bất hoà hiện tại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU không còn thuần tuý chỉ là chuyện trong trao đổi thương mại.
Ông Trump cáo buộc EU và Trung Quốc cố tình phá giá đồng tiền của họ, đồng Euro của EU và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: EPA
Đối với Mỹ, việc các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc và EU, phá giá đồng bản tệ đưa lại hai hệ luỵ rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, nó kích hoạt cuộc chạy đua về phá giá đồng tiền trên phạm vi toàn thế giới mà điểm đến cuối cùng sẽ là chiến tranh tiền tệ. Kinh tế và thương mại thế giới nói chung bị tác động tiêu cực, nhưng Mỹ cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tương tự, tức là cũng sẽ bị thiệt đơn, hại kép.
Thứ hai, một khi xác định và khẳng định đối tác bên ngoài nào đó lũng đoạn và thao túng tiền tệ khiến Mỹ bị thiệt hại và thông báo chính thức cho quốc hội Mỹ thì chính phủ Mỹ bị buộc phải áp dụng những biện pháp chính sách ứng phó, trong đó có những biện pháp chính sách trừng phạt đối tác kia về mọi phương diện chứ không chỉ có về thương mại hay tài chính thuần tuý.
Khi ấy, toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với đối tác này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hiện tại, ông Trump mới chỉ cáo buộc EU và Trung Quốc trên dư luận thông qua Twitter. Nhưng thời điểm lại là khi có chuyện xung khắc thương mại giữa Mỹ với hai đối tác này.
Ông Trump dùng chuyện tiền tệ để biện minh cho việc xung khắc thương mại với Trung Quốc và EU là quyết định đúng đắn và cần thiết đối với nước Mỹ. Ông Trump muốn cho thấy là quyết tâm thực thi chính sách bảo hộ thương mại đối với Trung Quốc và EU không chỉ đến cùng mà còn lâu dài.
Ngoài ra cũng còn có thể nhìn nhận được từ đó chuyện xung khắc thương mại hiện tại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU không đơn lẻ và nhất thời mà là bộ phận trong chủ định nhất quán của ông Trump, là định hình lại toàn bộ quan hệ hợp tác của Mỹ với hai đối tác này trên mọi lĩnh vực.
Xung khắc thương mại mới chỉ là sự khởi đầu và tiếp đến trong thời gian tới sẽ còn thêm xung khắc trên những lĩnh vực hợp tác khác nữa giữa Mỹ với EU và Trung Quốc. Ông Trump hiện đã bắt đầu chuẩn bị dư luận ở Mỹ và trên thế giới cho những chuyện và bước xung đột tiếp theo với EU và Trung Quốc.
Vì thế có thể thấy cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với EU và Trung Quốc sẽ rất khó khăn chứ không thể thuận lợi và rồi kết quả nào đạt được thì cũng có khả năng bị đảo ngược. Đấy là điềm bất lành lớn đối với triển vọng quan hệ hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc và EU.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại