MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ trừng phạt Iran dồn dập, Nga phản ứng dữ dội

26-11-2020 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ trừng phạt 5 công ty ở Trung Quốc và Nga với cáo buộc đang thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa của Iran. Một quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump hé lộ sắp tới sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt.

Ngày 25-11, đặc phái viên Mỹ về Iran, ông Elliott Abrams, cho biết Bộ Tài chính Mỹ có kế hoạch công bố loạt trừng phạt mới nhằm vào Tehran trong những tuần tới liên quan đến vũ khí, vũ khí hủy diệt hàng loạt và vấn đề nhân quyền.

Theo trang Bloomberg, các công ty mới bị trừng phạt bao gồm Công ty Vật liệu Mới Tốt nhất Thành Đô, Công ty Thương mại Zibo Elim (Trung Quốc) cùng với 3 công ty của Nga là Nilco, Elecon và Aviazapchast.

Phía Mỹ cho biết các công ty này đang vi phạm luật của Mỹ về việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, liên quan đến Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria. Theo Sổ đăng ký Liên bang, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo quyết định về việc áp dụng các biện pháp hạn chế có hiệu lực từ ngày 6-11 trong 2 năm, nhưng có thể được giảm bớt hoặc chấm dứt theo quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

 Mỹ trừng phạt Iran dồn dập, Nga phản ứng dữ dội  - Ảnh 1.

Đặc phái viên Mỹ về Iran, ông Elliott Abrams, cho biết Bộ Tài chính Mỹ sắp có loạt trừng phạt mới nhằm vào Tehran. Ảnh: AP

Các biện pháp trừng phạt ​​sẽ xem xét việc cấm bất kỳ cơ quan nào của Mỹ mua các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức nằm trong danh sách đen, cũng như cấp giấy phép chuyển giao hàng hóa thuộc diện kiểm soát xuất khẩu cho họ. Ông Elliott Abrams kêu gọi ông Joe Biden sử dụng đòn bẩy này để thúc đẩy một thỏa thuận làm giảm các mối đe dọa hạt nhân.

Trước diễn biến mới của Washington, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov coi đây là một động thái phân biệt đối xử của Mỹ nhằm làm suy giảm tiềm lực kinh tế của 3 doanh nghiệp Nga. Ông Anatoly Antonov cho rằng Mỹ vẫn đang sử dụng các biện pháp trừng phạt làm công cụ chính để thực hiện chính sách đối ngoại. Đại sứ Nga khẳng định những hành động như vậy là "bất hợp pháp, vì không quốc gia nào có quyền hạn chế hợp tác thương mại và đầu tư giữa Nga và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế".

Vào giữa tháng 11, trang web của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra loạt trừng phạt bao gồm các hạn chế đối với 9 cá nhân và hàng chục tổ chức, bao gồm tổ chức Bonyad Mostazafan liên kết với Lãnh tụ Tối cao Khamenei và Bộ trưởng Bộ Tình báo Iran Mahmoud Alavi.

Trước đó, Mỹ đã đưa ra các giới hạn nhắm vào 4 người và 6 công ty Iran, động thái này được đưa ra sau khi Washington áp các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, bao gồm cả Bộ Dầu mỏ Iran.

 Mỹ trừng phạt Iran dồn dập, Nga phản ứng dữ dội  - Ảnh 2.

Lễ duyệt binh ở Tehran, Iran, ngày 22-9-2019. Ảnh: Reuters

Mỹ gia tăng áp lực lên Iran kể từ khi Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận đa quốc gia năm 2015, trong đó đề nghị giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Xuất khẩu dầu của quốc gia này đã bị cắt giảm, trong khi hệ thống ngân hàng và quân đội cũng bị trừng phạt.

Về phía Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông tin rằng quan hệ Mỹ-Iran có thể sẽ rất khác dưới thời ông Joe Biden. Iran và Mỹ hoàn toàn có thể đảo ngược quãng thời gian 4 năm qua và trở lại trạng thái trước khi ông Donald Trump làm tổng thống.

Tổng thống Rouhani đưa ra những gì Iran mong đợi ở ông Biden: "Chúng tôi hy vọng rằng trong những bước đầu tiên của mình, chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ lên án rõ ràng các chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với Iran". Ông Rouhani cho rằng chính quyền ông Biden sẽ phải "bù đắp cho những chính sách không đúng" của người tiền nhiệm.

Theo Huệ Bình

NLĐ

Trở lên trên