MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Na Uy muốn xây đường ống khổng lồ để 'chôn' vĩnh viễn lượng CO2 hàng triệu người thải ra mỗi năm xuống đáy biển

04-07-2022 - 10:07 AM | Tài chính quốc tế

Na Uy muốn xây đường ống khổng lồ để 'chôn' vĩnh viễn lượng CO2 hàng triệu người thải ra mỗi năm xuống đáy biển

Theo đó, hệ thống đường ống này có công suất vận chuyển từ 20 đến 40 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải mà 3 - 6 triệu người tạo ra.

Equinor, công ty năng lượng có trụ sở tại Na Uy đã đề xuất phương án chôn lấp vĩnh viễn CO2 dưới đáy biển. Lượng CO2 này sẽ được vận chuyển bằng các đường ống vận chuyển cỡ lớn, vốn sẽ sớm được lên kế hoạch xây dựng, theo tuyên bố của Equinor hôm 29/6 vừa qua.

Đây được coi là là một trong những dự án thu giữ, vận chuyển và lưu trữ carbon (Carbon capture and storage, viết tắt là CCS - NV) lớn nhất trên thế giới hiện nay, đủ sức đáp ứng nhu cầu đang ngày một tăng về CCS của ngành công nghiệp tại Châu Âu.

Được biết, Fluxys - công ty hạ tầng năng lượng tại Bỉ sẽ vận hành một cơ sở ở Zeebrugge. Đây là địa điểm tập kết thu gom CO2 từ các tàu cập cảng và các nhà máy (được kết nối bằng đường ống).

Lượng CO2 này sau đó sẽ được vận chuyển qua một đường ống khác do Equinor vận hành dưới Biển Bắc, giúp lưu trữ vĩnh viễn CO2 dưới đáy biển ngoài khơi Na Uy.

Na Uy muốn xây đường ống khổng lồ để chôn vĩnh viễn lượng CO2 hàng triệu người thải ra mỗi năm xuống đáy biển - Ảnh 1.

Dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi. Equinor và Fluxys hiện vẫn đang trong giai đoạn làm việc với các khách hàng tiềm năng và hy vọng sẽ có quyết định đầu tư vào năm 2025.

Thu giữ và lưu giữ CO2 sẽ giúp giảm biến đổi khí hậu?

Trong báo cáo cơ sở mới nhất của mình, Liên Hợp Quốc cho biết thế giới sẽ cần thu giữ và lưu trữ CO2 từ không khí và đại dương, bên cạnh việc giảm phát thải khí nhà kính.

Thu giữ và lưu trữ carbon (carbon capture and storage - CCS) là một trong số ít các công nghệ có thể loại trừ hoàn toàn carbon dioxit (CO2) từ các nhà máy nhiệt điện than, khí đốt.

Nó còn được áp dụng cho các ngành công nghiệp khác như: Chế biến khí tự nhiên, sản xuất phân bón, khí hydro, sắt thép, xi măng…, vốn đóng góp khoảng 25% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Là công nghệ duy nhất có khả năng giảm phát thải khí nhà kính quy mô lớn từ nhiều ngành công nghiệp, CCS được coi là giải pháp khả thi cho các ngành công nghiệp nặng CO2 như một cách để họ tiếp tục hoạt động, bất chấp các biện pháp giảm phát thải ngày càng nghiêm ngặt nhằm chống biến đổi khí hậu.

Thực tế, công nghệ thu giữ CO2 không hề mới, mà đã được áp dụng trong ngành hóa chất từ những năm 1940. CO2 sẽ được tách ra khỏi các thành phần khác (chủ yếu là khí nitơ, một số loại khí và hạt khác) trong toàn bộ lượng khí thải từ một nguồn phát thải cụ thể.

Na Uy muốn xây đường ống khổng lồ để chôn vĩnh viễn lượng CO2 hàng triệu người thải ra mỗi năm xuống đáy biển - Ảnh 2.

Công nghệ thu giữ CO2 bao gồm ba loại chính: Thu giữ sau đốt nhiên liệu, thu giữ trước đốt nhiên liệu, và thu giữ khi đốt nhiên liệu bằng oxy. Trong đó, cng nghệ thu giữ CO2 sau khi nhiên liệu được đốt cháy là giải pháp được sử dụng nhiều nhất:

Với các dung môi và công nghệ hiện tại, các thiết bị thu giữ CO2 sau đốt có thể loại bỏ hơn 90 phần trăm CO2 khỏi khí thải. Sau khi tách ra khỏi các yếu thành phần khác trong khí thải, CO2 được nén, hoặc hóa lỏng để có thể vận chuyển dễ dàng hơn. Việc vận chuyển CO2 đã được thực hiện trong hơn 40 năm nay với 7.762 km đường ống hoạt động trên khắp thế giới.

Tổng hợp

Theo Anh Việt

Tổ Quốc

Trở lên trên