Năm 2019 từng đi ngược với xu hướng của khu vực, kinh tế vĩ mô 2020 sẽ diễn biến ra sao?
Tín hiệu chậm lại của kinh tế thế giới tiếp tục tạo áp lực cho kinh tế vĩ mô Việt Nam do đó nhiều dự báo cũng tỏ ra thận trọng cho năm 2020.
Việt Nam đã kết thúc năm 2019 với nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, đi ngược với xu hướng của khu vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,02% so với cùng kỳ. Áp lực lạm phát giảm mặc dù giá thực phẩm tăng, lạm phát bình quân cả năm đạt 2,8%, thấp hơn mức 3,5% trong năm 2018. Xuất khẩu tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Nổi bật là giá trị xuất khẩu của khu vực trong nước ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2019 vượt trội (17,7% so với cùng kỳ) so với khu vực FDI (4,4% soi với cùng kỳ).
Nếu không có cú sốc đáng kể từ bên ngoài, GDP tăng trưởng 6,8%
Đưa ra dự báo về kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2020, báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, năm 2020 kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua những trở ngại bên ngoài, tiếp nối nền tảng tăng trưởng GDP tích cực trong năm 2019. Xuất khẩu các mặt hàng công nghệ dự kiến sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi theo chu kỳ của nhu cầu công nghệ toàn cầu nhờ sự bùng nổ của công nghệ 5G vào năm 2020. Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và cũng là tập đoàn đi đầu về điện thoại 5G, có thể hưởng lợi từ những thách thức mà đối thủ cạnh tranh là Huawei đang đối diện.
"Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng 10% so với cùng kỳ trong năm 2020, thấp hơn mức 11,3% trong năm 2019 do mức cơ sở cao và ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài. Mặt khác, sự gia tăng ổn định về đầu tư và tiêu dùng trong nước sẽ là yếu tố hỗ trợ nếu nhu cầu bên ngoài sụt giảm hơn nữa", báo cáo của VNDirect cho biết.
Cụ thể, theo VNDirect, tổng cầu trong nước sẽ tiếp tục được duy trì nhờ tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Theo ước tính tăng trưởng ngành bán lẻ duy trì ở mức 8,5% trong năm 2020 nhờ tăng trưởng thu nhập của người tiêu dùng và lạm phát ở mức vừa phải. Đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục mở rộng nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với tốc độ tăng trưởng 15,0% so với cùng kỳ trong năm 2020. VNDirect cũng dự báo lĩnh vực nông nghiệp sẽ phục hồi dần khi giá gạo tăng trở lại.
"Nếu không có cú sốc đáng kể từ môi trường bên ngoài, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng 6,8% trong năm 2020, tương đương với mục tiêu của Chính phủ", báo cáo của VNDirect nêu.
Về chỉ số lạm phát, theo VNDirect, lạm phát sẽ tiếp tục đà tăng trong hai quý tới trước khi giảm
vào nửa cuối năm 2020, gắn với diễn biến của giá thịt lợn. "Chúng tôi ước tính lạm phát chung đạt 3,2% trong năm 2020, cao hơn mức 2,8% trong năm 2019. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng sự ổn định lại của giá thịt lợn/thực phẩm và lạm phát cốt lõi sẽ tạo ra dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa vào cuối năm 2020", nhóm chuyên gia VNDirect cho hay.
Tăng trưởng GDP 2020 - áp lực từ tín hiệu chậm lại của kinh tế thế giới
Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho biết, KB đặt quan điểm khá thận trọng đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam, với mức tăng khoảng 6,7 – 6,8% cho năm 2020.
Theo KB Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu đã có xu hướng chậm lại rõ rệt trong quý cuối năm (tương đồng với diễn biến chậm lại của thương mại toàn cầu) đã ít nhiều tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong nước. Cụ thể, trong năm 2019, chỉ duy nhất xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt mức tăng hai con số (28%), còn các thị trường lớn khác như EU, Trung Quốc, ASEAN gần như không tăng trưởng, trong khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ tăng quanh ngưỡng 8%. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục ít nhất trong 1H2020, và xuất khẩu đến từ khối doanh nghiệp FDI dự kiến khó lấy lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn khi mà nhập khẩu nguyên vật liệu thô, linh kiện và máy móc đã liên tục sụt giảm trong các tháng qua.
Các yếu tố gây đột biến cho tăng trưởng giai đoạn 2017 – 2019 (Samsung, Formosa, Nghi Sơn) sẽ không còn rõ nét. Dòng vốn FDI mới giải ngân ở mức cao vào giai đoạn 2018 – 2019 (khoảng ~40 tỷ USD), đặc biệt ở lĩnh vực chế biến chế tạo là nhân tố khác giúp cải thiện sản lượng và xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên KB Việt Nam nhận định các nhà máy này sẽ khó tạo yếu tố đột biến nếu so sánh với động lực đến từ Samsung, Formosa và Nghi Sơn trong 2 năm qua.
Giải ngân đầu tư công được KB Việt Nam đánh giá là nhân tố sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng GDP năm 2020, khi Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực và dự kiến sẽ phần nào giải quyết những tắc nghẽn trong giải ngân đầu tư công thời gian qua. 2 dự án lớn bao gồm Cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành với tổng quy mô lên đến hơn 200.000 tỷ đồng sẽ là 2 động lực được kỳ vọng hỗ trợ lớn cho tăng trưởng.
Cuối cùng, EVFTA dự kiến sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực trong 1H2020 nhìn chung hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống (dệt may, giày dép, thủy sản) trong việc mở rộng thị trường sang EU trong bối cảnh giá hàng hóa dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong năm 2020.
Sẽ có nhiều thách thức với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Theo dự báo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2020 sẽ có nhiều thách thức với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% YoY, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ ở trong mức 6,6-6,9% YoY. Các yếu tố rủi ro nảy sinh từ cả hai phía, bên trong và bên ngoài, do đó sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là điều cấp thiết.
"Sản xuất kinh doanh, thương mại và đầu tư xuyên biên giới suy giảm trên quy mô toàn cầu do ảnh hưởng từ các bất ổn địa chính trị tại hầu hết các châu lục. Dưới góc nhìn của chúng tôi, biến số kỳ vọng đang nắm vai trò chi phối các hoạt động kể trên", báo cáo của VDSC nêu.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, theo VDSC, năm 2020 tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ bắt đầu tăng mạnh trở lại tại 04 lĩnh vực chính gồm: 1) Đường cao tốc, 2) Sân bay, 03) Nhiệt điện và 04) Hạ tầng chuẩn bị cho Sea Games 31. Quy mô vốn đầu tư công có thể giải ngân năm 2020 lên tới 500 nghìn tỷ, tăng 16% yoy so với dự toán 2019.
VDSC cho rằng, 2020 tỷ giá vẫn là một ẩn số khi rủi ro Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam đang tăng lên.
BizLive