MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2021, áp lực vay bù đắp bội chi lớn

Ông Nguyễn Đức Chi - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước

Ông Nguyễn Đức Chi - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước

Năm 2021, dự kiến diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ; bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục ở mức cao, tổng mức vay bù đắp bội chi của ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt là 343.670 tỷ đồng...

Trước khó khăn đó, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Chi – Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước về những giải pháp để triển khai tốt nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước năm 2021.

Xin chúc mừng Kho bạc Nhà nước đã vượt qua được những khó khăn đầy bất ngờ của năm 2020. Vậy xin Tổng Giám đốc hãy chia sẻ những điều mà hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đạt được trong năm qua?

Trong năm qua chúng tôi cũng đã triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và đã cung cấp 9/11 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp 7/9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 77,8%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2020 là tối thiểu 30%. Đến nay 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng bắt buộc đã đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến, lượng chứng từ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 98%... Tiếp tục quản lý tốt ngân quỹ nhà nước, gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ. Tiếp tục nộp ngân sách trung ương từ thu hoạt động nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước 3.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2020 Kho bạc Nhà nước đã tổ chức triển khai tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên cho năm tài chính 2018 trình Quốc hội. Đây sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương có được bức tranh tài chính nhà nước tổng thể, toàn diện để xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách phù hợp và hiệu quả hơn. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước còn tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW cùng với việc hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ năm 2020 tạo nền tảng vững chắc để bước vào Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Thưa ông, năm 2021, dự báo thu ngân sách nhà nước vẫn gặp khó khăn trong khi nhu cầu vay của Chính phủ ở mức cao. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với công tác huy động vốn của Kho bạc Nhà nước. Vậy Kho bạc Nhà nước có kế hoạch như thế nào để vượt qua những thách thức này?

Năm 2021, dự kiến diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ; bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục ở mức cao, tổng mức vay bù đắp bội chi của ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt là 343.670 tỷ đồng. Để tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước, chúng tôi sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm để vừa huy động đủ vốn theo nhu cầu của ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục và ổn định của thị trường trái phiếu chính phủ.

Cùng với đó là tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, tiến độ thu, chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là trả nợ gốc vay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để điều hành khối lượng huy động phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ phát hành trái phiếu chính phủ theo phương thức đấu thầu đảm bảo thủ tục đơn giản, công khai và minh bạch. Điều hành lãi suất phát hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, tập trung vào các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ, nhằm giảm thiểu rủi ro trả nợ trong ngắn hạn cho ngân sách nhà nước, xây dựng danh mục nợ an toàn, theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và quản lý nợ công.

Kho bạc Nhà nước cũng sẽ gắn kết chặt chẽ quản lý ngân quỹ nhà nước, quản lý ngân sách và nợ công thông qua sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để đáp ứng nhu cầu tạm ứng, vay nợ của ngân sách nhà nước một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp, đặc biệt tại những thời điểm thị trường gặp khó khăn để vừa đáp ứng đủ mọi nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quản lý nợ công đồng thời giữ ổn định thị trường.

Ông có nói đến việc xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Báo cáo tài chính nhà nước, vậy ông có thể chia sẻ về báo cáo đầu tiên này và phương án để xây dựng báo cáo những năm tiếp theo?

Báo cáo tài chính nhà nước lần đầu tiên được lập cho năm tài chính 2018 và được tổng hợp trên phạm vi rộng với hơn 120.000 đơn vị thuộc 3 cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Trong đó hơn 50.000 đơn vị trực tiếp gửi báo cáo cho Kho bạc Nhà nước tổng hợp, thời gian chuẩn bị không nhiều... Đây là nội dung mới và tương đối khó về mặt kỹ thuật đối với các đơn vị kế toán nhà nước khi lần đầu tiên chuyển đổi sang áp dụng kế toán dồn tích đầy đủ và lập báo cáo tài chính theo chế độ kế toán mới, còn nhiều bỡ ngỡ nên không tránh khỏi sai sót.

Mặc dù Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 đã cơ bản cung cấp thông tin về tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn cũng như kết quả hoạt động tài chính năm 2018 và bước đầu được các Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và Chính phủ, Quốc hội ghi nhận. Tuy nhiên, một số tài sản nhà nước như tài sản hạ tầng, di sản, đất đai chưa được phản ánh đầy đủ trên báo cáo năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở dữ liệu về hạ tầng đang trong quá trình xây dựng, cập nhật, các văn bản pháp lý quy định việc xác định, quản lý, kế toán về đất đai, di sản đang trong quá trình hoàn thiện...

Trong những năm tới chúng tôi đã đặt ra một số định hướng nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo tài chính nhà nước như: đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch nông thôn tại các địa phương để tổng hợp vào báo cáo năm 2019. Tiếp tục nghiên cứu phương án, lộ trình phản ánh giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, đường sắt quốc gia, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi... và các tài sản nhà nước khác vào báo cáo. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của Báo cáo tài chính nhà nước để đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cho đơn vị thực hiện và cung cấp các thông tin tài chính cần thiết phục vụ tổng hợp.

Đặc biệt, sẽ nâng cấp Hệ thống thông tin tổng kế toán nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước; nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Báo cáo tài chính nhà nước, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu Báo cáo tài chính nhà nước...

Ông có nói đến việc số hoá dữ liệu tài chính nhà nước. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu đến năm 2030 Kho bạc Nhà nước sẽ phát triển Kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số?

Mục tiêu của Kho bạc Nhà nước là đến năm 2030 sẽ cơ bản hình thành kho bạc số. Chúng ta có thể hiểu Kho bạc số là kho bạc mà ở đó mọi tác nhân đều tương tác trên nền tảng số, theo chính sách và quy trình nghiệp vụ được cải cách, lấy đơn vị giao dịch làm trung tâm phục vụ. Theo đó, sẽ liên thông dữ liệu số giữa các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương với Kho bạc Nhà nước để cung cấp dịch vụ cho các đơn vị, cơ quan và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giao Kho bạc Nhà nước.

Tất cả các đơn vị, cơ quan giao dịch với Kho bạc thông qua nền tảng số của đơn vị có liên thông trực tuyến với Kho bạc hoặc đơn vị giao dịch trên nền tảng của Kho bạc số. Kho bạc số và các nền tảng số trong lĩnh vực tài chính nhà nước có kết nối tương tác với nhau để hình thành hệ sinh thái số cho toàn bộ lĩnh vực tài chính nhà nước. Các quyết định quản lý của các cấp có thẩm quyền về lĩnh vực quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ, huy động vốn cho ngân sách nhà nước, tổng kế toán, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước,... dựa trên phân tích dữ liệu lớn.

Năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 333.042 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch; kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 13,94 năm (năm 2019: 13,44 năm); lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 2,86%/năm (năm 2019: 4,51%/năm); kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 8,41 năm (năm 2019: 7,42 năm); lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ đối với kỳ hạn 10 năm thấp thứ 3 khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore và Thái Lan).

Kho bạc Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ về khối lượng huy động được Quốc hội, Bộ Tài chính giao, đồng thời xây dựng danh mục nợ trái phiếu chính phủ an toàn, bền vững theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công.

Theo Linh Đan

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên