MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2024 Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.800 tỷ đồng, trong đó giảm chi NSNN hơn 9.300 tỷ

30-12-2024 - 17:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến 15/12/2024, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 2.637 tỷ đồng, giảm chi NSNN 9.341 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý...

Sáng 30/12, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025. Ủy viên Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị là dịp để KTNN nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ những kết quả công tác năm 2024, làm sâu sắc thêm những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2025, đóng góp vào thành tích chung, từng bước đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của KTNN nêu rõ, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 theo Chiến lược phát triển KTNN đến 2030; đặc biệt, là năm toàn ngành thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024) với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực; là năm KTNN triển khai kiểm toán việc thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đây cũng là năm KTNN thực hiện Kế hoạch kiểm toán (KHKT) với nhiều chủ đề phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các chuyên đề, chủ đề theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền…

Với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm: "Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", KTNN đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao năm 2024 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả với nhiều kết quả nổi bật.

Hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp

Năm 2024, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần quan trọng vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

KHKT năm 2024 của KTNN được lập đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, UBTVQH, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Quá trình xây dựng KHKT năm 2024 được chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, minh bạch, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo đúng tinh thần Nghị quyết 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Tiếp tục phương châm "gọn nhưng chất lượng", phương án tổ chức kiểm toán năm 2024 được xây dựng lồng ghép hợp lý trong các cuộc kiểm toán nhằm giảm bớt đầu mối triển khai, giảm số lượng đoàn kiểm toán và tinh giản các thủ tục hành chính, giảm chi phí trong hoạt động kiểm toán, góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương; cân đối nhân sự các đoàn kiểm toán ngay từ đầu năm theo nguyên tắc 01 kiểm toán viên tham gia không quá 02 đoàn kiểm toán trong năm (trừ trường hợp đặc biệt)...

Theo đó, KHKT năm 2024 thực hiện 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 34 bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 83% (34/41) số đầu mối; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 57 địa phương, đạt tỷ lệ 90% (57/63) số đầu mối, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt tỷ lệ 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán (31/121), phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

KHKT năm 2024 tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; bám sát Chiến lược phát triển KTNN, đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH. KHKT năm 2024 đồng thời tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1...

Ngoài nâng cao chất lượng xây dựng KHKT năm, KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập KHKT của cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp với từng đơn vị kiểm toán.

Năm 2024 Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.800 tỷ đồng, trong đó giảm chi NSNN hơn 9.300 tỷ- Ảnh 1.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Chất lượng kiểm toán được đặt lên hàng đầu

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, như ban hành Hướng dẫn xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2024, Chỉ thị về tổ chức thực hiện KHKT nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2024 và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN; kế hoạch của Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ...

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

KTNN cũng ban hành Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán năm 2024: thực hiện giám sát toàn bộ 160 Đoàn kiểm toán, 04 cuộc kiểm soát trực tiếp, 04 cuộc kiểm soát việc tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng; hoàn thành Kế hoạch thanh tra năm 2024 với 10 cuộc thanh tra các đơn vị trực thuộc. Qua kiểm soát, thanh tra, nhìn chung các đoàn kiểm toán đã thực hiện cơ bản đầy đủ quy định về hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN; công tác kiểm soát của các đơn vị ngày càng được tăng cường; kỷ luật kỷ cương được giữ vững; chế độ báo cáo định kỳ được duy trì. Qua hoạt động thanh tra, kiểm soát đã giúp lãnh đạo KTNN, thủ trưởng các đơn vị trong quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán của các đoàn kiểm toán thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Kiểm toán nhà nước đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 1939/CT-KTNN ngày 27/11/2024 về việc khẩn trương hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024 và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong thời gian tới. Theo đó, Tổng kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác năm 2024 và năm 2025 với phương châm "An toàn - Uy tín". Tiếp tục quán triệt và yêu cầu toàn bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Nhiều phát hiện, kết luận, kiến nghị kiểm toán nổi bật

Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước, đến 15/12/2024, toàn ngành đã xét duyệt 165 KHKT, triển khai 161/161 đoàn kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 176 Dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 152 BCKT. Nhìn chung, KHKT được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; KHKT, BCKT được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với các BCKT đã phát hành tính đến 15/12/2024, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 2.637 tỷ đồng, giảm chi NSNN 9.341 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (gồm 01 Luật, 03 Nghị định, 11 Thông tư, 05 Quyết định Thủ tướng Chính phủ và 104 văn bản khác); kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán luôn được KTNN quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày BCKT quyết toán ngân sách năm 2022, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 trước Quốc hội với nhiều phát hiện, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao; đồng thời gửi Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội.

Tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 tính đến 15/12/2024, số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 40.975 tỷ đồng/49.940,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82%. Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, điều hành cơ chế, chính sách có 58/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN. Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 58/107 BCKT kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được đơn vị thực hiện.

Năm 2024 Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.800 tỷ đồng, trong đó giảm chi NSNN hơn 9.300 tỷ- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tích cực góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, trong năm qua, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển 02 hồ sơ bao gồm: 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước, 01 vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thúy sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra, làm rõ; đồng thời phối hợp cung cấp nhiều tài liệu, BCKT cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để làm rõ theo thẩm quyền. KTNN đã cung cấp 308 BCKT và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...; cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội.

Cũng trong năm 2024, bên cạnh việc thực hiện tốt, chất lượng những nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Ngành; chuẩn bị và trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; trình ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia..., nhiều lĩnh vực hoạt động của KTNN đều hoàn thành toàn diện, như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý; công tác tổ chức cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng; công tác hợp tác quốc tế; công tác xây dựng cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học; công tác giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...

Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị của Ngành, KTNN luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức và người lao động. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh KTNN cũng đã tích cực triển khai thực hiện công tác chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, chăm lo đời sống, thu nhập của đoàn viên với tổng kinh phí 5 tỷ 696 triệu đồng.

Thanh Bình

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên