MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2024 sẽ xuất hiện nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam

Năm 2024 sẽ xuất hiện nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo chuyên gia, trong năm 2024, khi kinh tế Mỹ bắt đầu có những ổn định, lãi suất không tăng nữa, kinh tế Trung Quốc bắt đầu đi vào một chu kỳ mới, sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những quý đầu năm 2023, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng dương cùng với các chính sách hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế. Cùng với đó, Việt Nam đã liên tiếp đón nhận các tin vui như việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng tầm lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Thị trường chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế cũng đã có sự phục hồi tích cực với thanh khoản tăng mạnh…và được các tổ chức uy tín đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng trong khu vực Châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những lo ngại về các yếu tố bên ngoài như lạm phát và tỷ giá USD gần đây tăng trở lại, FED đã quyết định chưa tăng thêm lãi suất nhưng không cam kết sẽ dừng việc tăng nữa hay không… Và thực tế thì thị trường chứng khoán cũng đã phải đối mặt với các phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Dù kinh tế thế giới còn những khó khăn nhất định nhưng kinh tế Việt Nam đang có những diễn biến thuận lợi, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp

Mới đây, tổ chức OECD đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế tháng 9, và nếu so với hồi tháng 6 thì thấy rằng dần đến cuối năm, các nền kinh tế lớn, đặc biệt là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều có những yếu tố tốt hơn. Ngoài ra, mới đây thủ tướng Nhật Bản cũng nói rằng sắp tới Nhật Bản sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Nhật. Như vậy là những yếu tố về phía quốc tế đang rất là thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong quý cuối năm này, cũng như có thể kéo qua những tháng đầu tiên của năm 2024.

Mục tiêu tăng trưởng GDP đầu năm của chính phủ là 6,5% nhưng do nửa đầu năm kinh tế tăng trưởng chậm lại, chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong quý III và quý IV này. Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng mới đưa ra nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,8% đến 6%. Vào quý III và quý IV, nhu cầu ở các nước, các thị trường lớn của Việt Nam về xuất khẩu cũng bước vào mùa tiêu dùng cuối năm. Một điểm nữa là lạm phát Việt Nam năm nay được kiểm soát tốt, xoay quanh khoảng 4%. Giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt khoảng hơn 40% mục tiêu, hy vọng trong những tháng cuối năm, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa là tâm lý của người dân và của doanh nghiệp, chỉ cần có niềm tin vào sự khởi sắc thì lúc đó chi tiêu tiêu dùng của họ sẽ được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong mấy tháng cuối năm này.

Trước những diễn biến từ nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có những phản ứng tích cực và đang được coi là “điểm sáng” của khu vực Châu Á, theo ông nhận định này có hợp lý?

Từ đầu năm đến nay chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20%, thuộc top đầu tăng trưởng rồi. Nếu tính trung bình ở các thị trường chứng khoán khác thì chỉ khoảng chừng 10%, 12%. Nhưng theo tôi thị trường sẽ còn tiến xa hơn nữa, bởi khi thống kê lại trong trong 5 năm qua, chỉ số VN-Index mới tăng khoảng chừng 25%-26% thôi, nguyên nhân là do có một đợt giảm rất mạnh của năm 2022, do vậy thị trường sẽ còn xu hướng tăng trong dài hạn. Ngoài ra, chỉ số chứng khoán cũng thể hiện niềm tin về nền kinh tế, về lợi nhuận và tăng trưởng của các doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư, tổ chức hay cá nhân có niềm tin rằng các nền kinh tế sẽ phát triển, các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận thì chắc chắn là chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những lo ngại về các yếu tố bên ngoài như lạm phát và tỷ giá USD gần đây tăng trở lại…FED đã quyết định không tăng thêm lãi suất nhưng cũng không cam kết sẽ dừng việc tăng nữa hay không? Ông đánh giá sao về điều này?

Về thị trường chứng khoán, đúng là khi ở một mức đạt được một tỷ suất lợi nhuận mong muốn rồi thì thường các tổ chức, các nhà đầu tư lớn họ có thể tái cấu trúc lại danh mục của mình. Trong trường hợp đó, có thể có tạo ra một đợt điều chỉnh sâu và nếu tâm lý các nhà đầu tư cá nhân không vững thì có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Lãi suất ở thị trường quốc tế mặc dù là FED không tăng thêm nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng có thể tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa. Và mặc dù rằng, Chủ tịch của FED có nói rằng khả năng cao kinh tế Mỹ chuẩn bị hạ cánh mềm, nhưng sự bất định vẫn là Mỹ có tăng thêm lãi suất từ nay đến cuối năm nữa hay không? nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu và chắc chắn trong đó có Việt Nam.

Thực tế những lo ngại về tỷ giá hay lãi suất…cũng đã khiến thị trường đối mặt với các phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây. Liệu thị trường có duy trì được vị trí là “điểm sáng” của khu vực trong thời gian tới?

Đối với các đầu tư chuyên nghiệp khi có các số liệu thực tế đã thực hiện thì lúc đấy họ bắt đầu điều chỉnh các kỳ vọng cho một giai đoạn tiếp theo. Thời gian vừa qua đối với thị trường của Việt Nam, những kỳ vọng đã phản ánh đúng với diễn biến của nền kinh tế, tuy nhiên nói về giai đoạn tiếp theo thì phải chờ số liệu của quý III, quý IV. Nhưng tôi thấy rằng, đối với năm 2024, khi kinh tế Mỹ bắt đầu có những ổn định, lãi suất không tăng nữa, kinh tế Trung Quốc bắt đầu đi vào một chu kỳ mới, sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bảo Sơn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên