MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắm bắt cơ hội XNK đang mở rộng: Lực đẩy từ nguồn vốn hợp lý

25-05-2021 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Bên cạnh việc nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước/hiệp định kinh tế khu vực, thay đổi chiến lược bán hàng và tìm kiếm kênh phân phối mới, việc tận dụng các giải pháp về vốn từ ngân hàng chính là "kiềng 3 chân" giúp doanh nghiệp thực sự vững vàng trong điều kiện như hiện nay.

Ngày 14/05 vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cùng chuyên trang Nhịp sống kinh tế (Báo điện tử Tổ quốc), Trang tin kinh tế tài chính CafeF và Công ty OSB - đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam - tổ chức tọa đàm "Chiến lược kiềng 3 chân cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bứt tốc phát triển thời Covid-19".

Trong buổi tọa đàm, triển vọng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được các diễn giả phác họa qua nhiều cơ hội đang mở rộng, nhưng các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt các cơ hội đó.

Nỗ lực cải thiện "điểm mờ"

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu (XNK) năm 2020, ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp MSB nhấn mạnh đến những điểm sáng của tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh chịu ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có một "điểm mờ" được dẫn ra tại tọa đàm với kỳ vọng sẽ có những cải thiện.

Nắm bắt cơ hội XNK đang mở rộng: Lực đẩy từ nguồn vốn hợp lý - Ảnh 1.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Đức, trong bức tranh sáng của nỗ lực năm qua, đóng góp của khối doanh nghiệp trong nước vào kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn còn khiêm tốn. Tỷ lệ đóng góp của khối này còn thấp, chỉ chiếm 27,8%. Còn lại chủ yếu vẫn từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong bức tranh chung đó, ông Đức cho biết, doanh số thanh toán XNK qua MSB năm 2020 đã tăng trưởng tới trên 200%; MSB lọt vào top 3 NHTM có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất tại Việt Nam. Cùng với các chỉ tiêu này, MSB đang tập trung đẩy mạnh các gói giải pháp để cùng hỗ trợ, đồng hành các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện "điểm mờ" nói trên, cũng như nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong năm 2021.

Theo ông Đức, bước vào năm 2021, nền kinh tế thế giới còn nhiều thách thức, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thực sự, do đó, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đối mặt với thách thức vô cùng lớn. "Chính vì thế, MSB đã sẵn sàng các gói giải pháp, sản phẩm, chương trình, chính sách toàn diện để tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam đạt những kết quả xuất sắc hơn nữa trong năm nay", ông Đức phát biểu.

Nắm bắt cơ hội XNK đang mở rộng: Lực đẩy từ nguồn vốn hợp lý - Ảnh 2.

Bối cảnh đại dịch cũng là trở ngại nổi bật năm qua và hiện nay. Tuy nhiên, tại tọa đàm, ông Đào Mạnh Khôi - Giám đốc Trung tâm thương mại điện tử Công ty OSB, đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam cho biết, bối cảnh đó đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Thương mại điện tử trở thành kênh chủ lực trong thúc đẩy giao thương, với sự chủ động tích cực từ các doanh nghiệp Việt Nam để hướng đến cải thiện "điểm mờ" trong bức tranh XNK với ảnh hưởng của Covid-19.

Chia sẻ thực tế tại tọa đàm, bà Hoàng Thị Hương, Trưởng phòng xuất khẩu – Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú cho biết, chính thương mại điện tử đã trở thành giải pháp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa qua và hiện nay, thậm chí giúp khai phá những thị trường mới cũng như kích thích đơn hàng mới…

Cơ hội đang mở rộng

Đồng tình về "điểm mờ" ở tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước còn thấp, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung ương giải thích thêm rằng: Khối FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao bởi họ chủ động hơn về thị trường, có mạng lưới rộng khắp trên thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn ở khối SME, mới và chưa thực sự chủ động trong tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông, cơ hội để cải thiện cũng như đẩy mạnh kim ngạch XNK của Việt Nam đang mở rộng.

Trước hết, theo chuyên gia này, ngay chính trong bối cảnh Covid-19, thương hiệu và uy tín của Việt Nam đã trở nên nổi bật trên thế giới với thành công trong kiểm soát đại dịch, cũng như là một trong số ít nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng kinh tế dương năm qua. Đó là cơ hội để thế giới nhìn vào và tìm hiểu về Việt Nam nhiều hơn.

Cụ thể hơn với hoạt động XNK, loạt hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam với các đối tác lớn như CPTTP, EVFTA… đã và đang tạo động lực rõ rệt. Điều này thể hiện rõ trong kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2021. Trong đó, theo TS. Nguyễn Tú Anh, ngay cả khi châu Âu vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 nhưng cầu đối với Việt Nam, tăng trưởng hàng Việt Nam sang thị trường này đã tăng nhanh.

Chuyên gia này cũng lưu ý, tăng trưởng XNK sang thị trường châu Phi của Việt Nam thời gian qua rất nhanh. Dù quy mô còn nhỏ nhưng diễn biến này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam rất chủ động trong đa dạng hóa nguồn thu, đa dạng hóa thị trường. Việc tăng nhập khẩu từ thị trường châu Phi cũng cho thấy Việt Nam bắt đầu tăng nhập nguyên liệu thô để dần chế biến sâu.

Về triển vọng cả năm, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh đến cơ hội đang mở rộng ở các thị trường. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật và kể cả ASEAN đang phục hồi.

"Kinh tế phục hồi thì nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Ví dụ như Mỹ năm nay dự kiến có thể tăng trưởng trên 6%, rất lớn. Chúng ta không thể quên thị trường Trung Quốc, mức tăng trưởng tới 18,3% trong quý 1 gần như không tưởng ở một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với những mức tăng trưởng lớn như vậy thì nhu cầu hàng nhập khẩu rất lớn và chúng ta cần tận dụng. Đó là cơ hội lớn. Trong khi đó các đối thủ của chúng ta vẫn đang chật vật, đó cũng là cơ hội", TS. Nguyễn Tú Anh cho biết.

Lực đẩy từ nguồn vốn hợp lý

Để nắm bắt cơ hội, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh đến các cấu phần của "kiềng 3 chân" mà chủ đề buổi tọa đàm tập trung đến. Trong đó, điều kiện về nguồn vốn được chú trọng, kèm những khuyến nghị.

Nắm bắt cơ hội XNK đang mở rộng: Lực đẩy từ nguồn vốn hợp lý - Ảnh 3.

Theo ông, nguồn vốn của hệ thống NHTM hiện vẫn dư thừa. Biểu hiện rõ nhất ở lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở mức rất thấp, như kỳ hạn 1 tuần chỉ hơn 1%/năm. Nhưng, vì sao vẫn còn những doanh nghiệp phải vay với lãi suất khá cao?

"Ở đây có hai mặt, cần sự tương tác tốt giữa hai bên", TS. Nguyễn Tú Anh đề cập với hướng chính doanh nghiệp cần chủ động và chuẩn bị tốt hơn khi làm việc với các NHTM. Họ cần làm rõ và thuyết phục về sức mạnh hồ sơ, hiệu quả sử dụng vốn… Một hồ sơ mạnh, đầy đủ và minh bạch sẽ giảm thiểu thời gian và chi phí thẩm định, qua đó thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn hợp lý; ngược lại, ngân hàng có thể áp lãi cao hơn khi nhận thấy có tiềm ẩn rủi ro hơn…

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đức - Phó Tổng giám đốc MSB cho biết, một trong những điều kiện hàng đầu để các doanh nghiệp XNK nắm cơ hội là phải có nguồn vốn hợp lý.

"Cơ hội sau Covid thể hiện khi nhu cầu trên các thị trường phục hồi. Làm sao để chủ động chuẩn bị đơn hàng để đáp ứng. Do đó, khi xây dựng các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2021, chúng tôi tập trung đầu tiên là làm sao để cung ứng vốn kịp thời. Đặc biệt, MSB linh hoạt cả nguồn vốn không cần tài sản đảm bảo, mà trên cơ sở dữ liệu đơn hàng, các khoản phải thu của khách hàng", Phó tổng giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp MSB cho biết.

Cụ thể, MSB đang triển khai gói giải pháp tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp XNK với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh cùng nhiều tiện ích. Theo đó, từ nay đến 31/12/2021, các doanh nghiệp XNK là khách hàng của MSB sẽ được vay vốn với lãi suất chỉ từ 6%/năm với VND và từ 3,0%/năm với USD.

Thông qua gói giải pháp này, MSB kỳ vọng sẽ tạo ra một đòn bẩy để các doanh nghiệp XNK "vươn xa quốc tế - vững thế giao thương". Vì vậy không chỉ có lãi suất vay siêu ưu đãi, khách hàng còn có thể được tài trợ vốn không tài sản bảo đảm lên tới 90% giá trị hợp đồng/LC xuất khẩu. Khi sử dụng giải pháp tín dụng toàn diện này, các khách hàng sẽ được giảm 30% phí tài trợ thương mại, chuyển tiền quốc tế và miễn 100% phí quản lý tài khoản, dịch vụ Internet Banking và nộp thuế điện tử/hải quan điện tử…

Nắm bắt cơ hội XNK đang mở rộng: Lực đẩy từ nguồn vốn hợp lý - Ảnh 4.

Bên cạnh việc nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước/hiệp định kinh tế khu vực, thay đổi chiến lược bán hàng và tìm kiếm kênh phân phối mới, việc tận dụng các giải pháp về vốn từ ngân hàng chính là "kiềng 3 chân" giúp doanh nghiệp thực sự vững vàng trong điều kiện như hiện nay. Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chiến lược "Kiềng 3 chân" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bứt tốc phát triển thời Covid" thực sự giúp doanh nghiệp trang bị một chiến lược ưu việt để các doanh nghiệp sẵn sàng vượt qua mọi thử thách do những bất ổn thời Covid-19 và bứt tốc phát triển trong năm 2021.

Ánh Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên