Năm Covid-19 thứ 2, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói 62.000 tỷ
Thời gian qua có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không dễ dàng tiếp cận do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn.
- 02-10-2020Đề xuất "nới" gói 62.000 tỷ đồng: DN nói gì?
- 30-09-2020Đề xuất bỏ nhiều điều kiện trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
- 30-06-2020Doanh nghiệp loay hoay, than khó vì điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến hàng chục ngàn lao động tại các doanh nghiệp bị mất việc, giãn việc, các doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời thậm chí giải thể. Tuy nhiên đến nay, sau 1 năm Chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn “than” gặp khó khăn trong tiếp cận.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cho rằng, về chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2020 đối với doanh nghiệp và người lao động, gói hỗ trợ quan trọng nhất là 62.000 tỷ, nhưng đến nay May 10 vẫn chưa tiếp cận được gói này.
“Nguyên nhân do điều kiện để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này là phải giảm doanh thu 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng những tiêu chí này, thì doanh nghiệp của chúng tôi đã đóng cửa rồi. Nên tôi cho rằng, trong thời gian tới cần chia các gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng.
Với các doanh nghiệp đóng cửa dài hạn thì các gói hỗ trợ lại khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là việc đưa ra các nghị quyết nhanh chóng trong 2020-2021.
Trong 2020, chúng tôi cũng được hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ như hoãn và giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, chính sách tài khoá, hay hệ thống ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất”, ông Việt cho biết.
Ông Thân Đức Việt cho rằng, trong năm 2021, các vấn đề về kinh tế, chính trị gắn liền với nhau. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, May 10 phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, tồn đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương, thì quý 2 năm nay lại đang có quá nhiều đơn hàng, làm không hết.
Quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng chưa tháo gỡ cho doanh nghiệp về cách thức cụ thể để làm sao doanh nghiệp vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch: "Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu 200 lao động dạng F2, F3 ở nhà, nhưng nếu kéo dài, sẽ rất khó để chúng tôi duy trì sản xuất, bởi may mặc là làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình với ý kiến rằng thời gian qua có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không dễ dàng tiếp cận do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn.
“Đúng là thời gian vừa qua các giải pháp đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Chúng ta có các gói hỗ trợ về tài khóa, gói hỗ trợ an sinh xã hội, tiền lương, nhà ở cho lao động… Tuy nhiên các biện pháp còn rất hạn chế như gói trả lương cho người lao động, gói hỗ trợ tín dụng. Sắp tới, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng các thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng nêu rõ, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng, làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, có các giải pháp đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong nước và FDI, đẩy mạnh vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”…
Gói hỗ trợ cần thiết kế để tránh trục lợi chính sách
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Bên cạnh việc duy trì các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như tạm hoãn, chậm nộp thuế, với các gói hỗ trợ mới cần phải tính toán và thực hiện bài bản hơn. Trong đó phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản, tiếp đó là tiếp cận theo nhóm đối tượng.
“Tôi rất lo ngại, nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng chúng ta bị trục lợi chính sách. Tôi lấy ví dụ, có những doanh nghiệp ngay cả khi chúng ta có hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Do đó phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch”, ông Hiếu lưu ý.
Ông Hiếu cũng cho rằng, trước tác động của dịch Covid-19, “sức đề kháng” của doanh nghiệp đang giảm dần, câu chuyện hiện nay khẩn cấp hơn rất nhiều, không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải thực thi ngay.
“Tôi khẳng định chi phí doanh nghiệp” sẽ bị đội lên rất nhiều từ các chi phí bỏ ra để phòng dịch Covid-19”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, cần phải rút ra 2 bài học. Thứ nhất, các gói hỗ trợ thời gian qua vô tình bỏ qua đối tượng là nông dân sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua đợt dịch ở Hải Dương, khi nông sản bị ách tắc tiêu thụ. Do vậy, các đối tượng trong chính sách mới cần phải tính toán kỹ hơn, thực sự công bằng hơn.
Tiếp đó, các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho doanh nghiệp. Ví dụ, khi hỗ trợ doanh nghiệp lại đưa ra những tiêu chí đi ngược lại nỗ lực của họ. Đáng lẽ phải ghi nhận, hỗ trợ các doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì chúng ta lại chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh...
Ông Hiếu cho rằng, nếu mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phòng chống dịch thì sẽ công bằng hơn cho các doanh nghiệp đang tiếp tục trụ vững trong dịch Covid-19./.
VOV