MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắm loạt 'kho báu trời ban', ông Trump tham vọng đưa Mỹ thống trị năng lượng thế giới: Nước cờ đầu tiên!

19-11-2024 - 07:50 AM | Tài chính quốc tế

Hành trình đưa nước Mỹ thống trị năng lượng thế giới của ông Trump không thể nói suông. Thực lực Mỹ có gì để biến tham vọng này thành hiện thực?

Rộng 695.662 km vuông, Texas là tiểu bang có diện tích lớn thứ hai nước Mỹ. Bên dưới lòng đất của hơn hai phần ba diện tích bang là những mỏ dầu khổng lồ. 

Nắm loạt 'kho báu trời ban', ông Trump tham vọng đưa Mỹ thống trị năng lượng thế giới: Nước cờ đầu tiên!- Ảnh 1.

Giàn khoan dầu đá phiến (shale oil) Conoco Phillips Eagle Ford ở Texas, Mỹ. Nguồn: Conoco Phillips/CNBC

Nhờ "kho báu trời ban đó", tiểu bang "Ngôi sao Cô đơn" này là nơi có trữ lượng dầu thô đã được chứng minh nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác của Mỹ.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu đã được chứng minh của Texas tăng 9% vào năm 2022. Đây là mức tăng ròng lớn nhất so với bất kỳ tiểu bang nào khác của quốc gia này.

Đây mới chỉ là phần nổi của câu chuyện năng lượng Mỹ.

"Khoan. Khoan. Khoan nữa"

Thắng cử nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp tại Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 cho nhiệm kỳ 4 năm. Còn vài tháng nữa ông Trump mới chính thức bước vào Nhà Trắng nhưng không lâu sau khi đắc cử, ông đã có những động thái khiến báo chí, truyền thông quốc tế tốn không ít giấy mực.

Đứng trước một loạt các biến động kinh tế và địa chính trị gần đây, gây tác động mạnh mẽ đến bối cảnh năng lượng toàn cầu, Mỹ thấy mình cần có những nước đi đột phá. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bắt tay thực hiện những nước đi đó.

Không lâu sau kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump đưa ra một loạt động thái nhằm đưa nước Mỹ trở thành "quốc gia thống trị về năng lượng":

"Một nước Mỹ thống trị về năng lượng có nghĩa là Mỹ hoàn toàn tự lực về năng lượng. Hiểu rộng ra, Mỹ sẽ là một quốc gia an toàn, thoát khỏi sự hỗn loạn địa chính trị từ các quốc gia khác vốn đang tìm cách biến năng lượng thành một vũ khí kinh tế. Mỹ với một vị thế như thế sẽ xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới, tăng cường vị thế lãnh đạo và sức ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu".

Rick Perry - Cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ.

Ngày 11/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn cựu Dân biểu New York Lee Zeldin làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). [Ông Lee Zeldin từng phản đối luật về khí hậu].

Ngày 14/11, ông Trump công bố Thống đốc bang Bắc Dakota Doug Burgum sẽ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. [Bắc Dakota là tiểu bang đứng thứ ba ở Mỹ, sau Texas và New Mexico, về cả trữ lượng và sản lượng dầu mỏ].

Chiều 15/11, ông Trump tuyên bố thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia (NEC). NEC sẽ bao gồm tất cả các cơ quan liên quan đến việc "cấp phép, sản xuất, phân phối, quản lý, vận chuyển" năng lượng. Đồng thời, ông Doug Burgum sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch NEC. Với tư cách là người đứng đầu NEC, Doug Burgum sẽ có một ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Trump cho biết.

Ngày 16/11, ông Trump đã đề cử Chris Wright, "ông trùm" ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ, làm Bộ trưởng Năng lượng. CEO của Liberty Energy (Chris Wright) cũng sẽ là thành viên của NEC. [Khoảng 64% tổng sản lượng dầu của Mỹ năm 2023 là dầu đá phiến].

Hội đồng Năng lượng Quốc gia (NEC) sẽ giám sát con đường dẫn đến sự thống trị năng lượng của Mỹ bằng cách cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư tư nhân trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế và tập trung vào sáng tạo thay vì các quy định lâu đời nhưng hoàn toàn không cần thiết - AP trích thông báo của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 15/11.

Trong bài viết tựa đề lược dịch "Để dầu cho tôi: Trump thề sẽ giải phóng năng lượng" đăng ngày 14/11, FoxNews cho biết, các mục tiêu chính sách về năng lượng của ông Trump bao gồm việc rút khỏi Thỏa thuận Paris về Khí hậu (một cam kết của gần 200 quốc gia nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính); hủy bỏ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt đối với xe cộ và nhà máy điện; tăng cường năng lượng trong nước [gồm thúc đẩy sản xuất dầu khí, mở rộng hoạt động khai thác dầu đá phiến và dỡ bỏ lệnh tạm dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)].

Nắm loạt 'kho báu trời ban', ông Trump tham vọng đưa Mỹ thống trị năng lượng thế giới: Nước cờ đầu tiên!- Ảnh 2.

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Savannah, bang Georgia, vào ngày 24/9/2024. Ảnh: Brandon Bell/Getty Images

Tất cả những động thái này cho thấy một sự tương phản rõ rệt với người tiền nhiệm của Trump. Dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, chính quyền đã thúc đẩy "cách tiếp cận toàn chính phủ" đối với biến đổi khí hậu, với một số bộ và cơ quan trên toàn bộ hệ thống hành chính liên bang được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề này.

Mục tiêu của ông Trump nhất quán đến độ, khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của ông Trump "Drill, Baby, Drill" (tạm dịch: Khoan. Khoan. Khoan nữa) đã trở thành biểu tượng cho kế hoạch thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch và đảo ngược các chính sách và quy định về khí hậu nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon của Mỹ trước đó, NPR thông tin.

Các tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ đã tìm cách khiến nước Mỹ độc lập về năng lượng. Bây giờ, Tổng thống đắc cử Donald Trump có một mục tiêu tham vọng hơn: Thống trị năng lượng.

Ông Trump từng tuyên bố rằng "thời kỳ hoàng kim" của năng lượng Mỹ sẽ được khẳng định thông qua hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên, than và dầu mỏ - vốn đang bùng nổ của đất nước.

Hãng tin AP trích lời ông Trump, người đã gọi dầu mỏ là "vàng lỏng", cho biết dầu và khí đốt tự nhiên cùng với các khoáng sản như lithium và đồng, nên được khai thác ở mức tối đa có thể. "Chúng ta sẽ "Drill, Baby, Drill" hết mức có thể, mở rộng tất cả các hình thức sản xuất năng lượng để phát triển nền kinh tế nước Mỹ đồng thời tạo ra những công việc được trả lương cao" - Tổng thống đắc cử Mỹ nói.

Thay đổi các nhân vật chóp bu của Nội các, lập ra các ban, bộ mới chỉ mới là những nước đi ban đầu của ông Trump. Vậy, ông Trump muốn đưa Mỹ "thống trị năng lượng" thì phải có thực lực gì?

Thực lực của Mỹ

Sau nhiều thập kỷ suy giảm, trữ lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng mạnh kể từ năm 2008. Dầu mỏ bao gồm dầu thô, khí hydrocarbon lỏng (HGL), các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như xăng và nhiên liệu diesel, và nhiên liệu sinh học.

Construction Coverage phân tích, một số liệu quan trọng để nắm bắt sự tăng trưởng của ngành dầu mỏ tại Mỹ là trữ lượng đã được chứng minh

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) định nghĩa "trữ lượng đã được chứng minh" là khối lượng ước tính của các nguồn tài nguyên hydrocarbon - mà phân tích dữ liệu địa chất và kỹ thuật chứng minh với độ chắc chắn hợp lý là - có thể khai thác được trong điều kiện kinh tế và hoạt động hiện tại.

Trữ lượng đã được chứng minh tại Mỹ đã đạt đỉnh trong lịch sử ở mức 39 tỷ thùng vào đầu những năm 1970 trước khi giảm hơn một nửa, xuống còn 19 tỷ thùng, vào năm 2008. Trong những năm kể từ đó, trữ lượng đã được chứng minh đã tăng vọt lên trên 44 tỷ thùng khi các kỹ thuật khai thác mới được áp dụng.

Theo Báo cáo thường niên mới nhất phát hành ngày 29/4/2024 của EIA, trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của Mỹ đã tăng 9% từ 44,4 tỷ thùng lên 48,3 tỷ thùng tính đến cuối năm 2022.

Tiếp nối câu chuyện từ tiểu bang Texas có trữ lượng dầu thô đã được chứng minh nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác của Mỹ. Cùng với Texas, nước Mỹ còn có 14 tiểu bang khác sở hữu những trữ lượng dầu thô lớn đã được chứng minh.

Dưới đây là phân tích đầy đủ về dữ liệu trữ lượng dầu thô của 15 tiểu bang nước Mỹ tính đến tháng 6/2024 do các nhà nghiên cứu tại Construction Coverage thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu từ EIA.

15. Michigan

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 53 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 1

14. Ohio

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 105 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 4

13. Mississippi

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 119 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 3

12. Kansas

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 292 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 3

11. Montana

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 316 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 4

10. Louisiana

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 365 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 15

9. Utah

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 530 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 5

8. Wyoming

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 978 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 4

7. Colorado

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 1.469 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 2

6. Oklahoma

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 1.474 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 5

5. California

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 1.716 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 14

4. Alaska

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 3.127 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 5

3. Bắc Dakota

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 4.353 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 1

2. New Mexico

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 4.517 

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 1

1. Texas

Trữ lượng dầu thô đã được chứng minh (triệu thùng): 17.031

Số lượng nhà máy lọc dầu đang hoạt động: 32

Không chỉ sở hữu những mỏ dầu lớn khắp liên bang, Mỹ còn nhập khẩu dầu thô về tinh chế. Riêng năm 2023, Mỹ nhập khẩu khoảng 8,51 triệu thùng dầu mỗi ngày từ 86 quốc gia khắp thế giới. Lượng dầu thô nhập khẩu chiếm khoảng 76% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này. 5 quốc gia cung cấp dầu thô nhập khẩu nhiều nhất cho Mỹ năm 2023 là Canada, Mexico, Ả Rập Xê Út, Iraq và Brazil.

Nắm loạt 'kho báu trời ban', ông Trump tham vọng đưa Mỹ thống trị năng lượng thế giới: Nước cờ đầu tiên!- Ảnh 3.

Nguồn ảnh: Mark Smith / Shutterstock

Cùng với trữ lượng khổng lồ; nhập khẩu thêm dầu thô; đồng thời không ngừng sáng tạo những kỹ thuật mới trong khai thác, chế biến dầu mà Mỹ vươn lên trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới (xếp sau là Ả Rập Saudi, Nga). Vị trí "thống trị" này liên tục được giữ trong 6 năm trở lại đây. Số liệu cung cấp ngày 29/10/2024 trên Investingnews cho thấy, riêng năm 2023, Mỹ sản xuất được 21,91 triệu thùng dầu mỗi ngày. 

Khi là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Mỹ tất yếu xuất khẩu ra khắp thế giới. Năm 2023, Mỹ xuất khẩu khoảng 10,15 triệu thùng/ngày dầu mỏ đến 173 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ của Mỹ (Samoa thuộc Mỹ, Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ). 

Ngoài việc là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Mỹ còn là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Năm 2023, Mỹ tiêu thụ trung bình 20,5 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày.

Imperialoil (Canada) nhận định, ngày nay thế giới rất cần năng lượng - và ngày càng nhiều - để hỗ trợ tiến bộ kinh tế, xã hội và xây dựng chất lượng cuộc sống tốt hơn. Năng lượng cung cấp sức mạnh cho máy tính, giao thông vận tải, truyền thông, thiết bị y tế tiên tiến và nhiều hơn thế nữa. Điều đáng nói, hầu hết năng lượng mà thế giới tiêu thụ đều đến từ hydrocarbon, trong đó dầu thô là nguồn nhiên liệu vận tải chính. Dự đoán, nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 25% từ năm 2014 đến năm 2040.

Trước xu thế không thể đảo ngược này, cộng với thực lực đáng gờm của Mỹ trong sản xuất dầu mỏ, ông Trump cùng những người một lòng ủng hộ mình chắc chắn hiểu rõ vị thế vững chắc mà nước Mỹ đang có. "Thời kỳ hoàng kim" của năng lượng Mỹ chính là mục tiêu cao nhất của chính quyền Trump thời gian tới.

Nếu ví vấn đề năng lượng Mỹ dưới thời Trump là một bàn cờ, thì những nước đi của Tổng thống đắc cử Mỹ những ngày vừa qua rất chặt chẽ. Từng vị trí, từng nước cờ của ông Trump đều thể hiện mọi sự chuẩn bị đã chín muồi. Bốn năm tới trong thời gian tại vị, liệu ông Trump có đưa Mỹ trở thành quốc gia thống trị năng lượng hay không, hãy cùng chờ xem!

Tham khảo: CNN, AP, CNBC, FoxNews, Construction Coverage

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên