MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm sau, Honda dừng sản xuất xe máy cỡ nhỏ: Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

24-06-2024 - 08:43 AM | Thị trường

Đối mặt với tiêu chuẩn khí thải ngày một chặt, Honda sẽ dừng sản xuất các mẫu xe máy cỡ nhỏ.

Tờ Nikkei Asia mới đây đã có bài viết cho rằng Honda sẽ dừng sản xuất các mẫu xe máy cỡ nhỏ kể từ tháng 5 năm 2025. Thông tin này xuất phát từ nguồn tin của Nikkei Asia, cho biết rằng điều này nhằm đối phó với tiêu chuẩn khí thải ngày một chặt hơn tại Nhật mà sẽ chính thức có hiệu lực sau đó.

Nikkei Asia cũng cho biết rằng việc dừng sản xuất sẽ chỉ xảy ra với những mẫu xe có dung tích động cơ từ 50cc trở xuống. Hiện nay, Honda chiếm giữ khoảng 80% thị phần nội địa Nhật trong phân khúc xe máy sử dụng động cơ nhỏ hơn 50cc.

Năm sau, Honda dừng sản xuất xe máy cỡ nhỏ: Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?- Ảnh 1.

Honda sẽ dừng sản xuất các mẫu xe máy dưới 50cc.

Khi tiêu chuẩn khí thải thắt chặt, các nhà sản xuất như Honda sẽ cần đầu tư nhiều hơn để cải tiến động cơ, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn. 

Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề về chi phí nghiên cứu, vốn không phải là con số nhỏ. Trong khi đó, doanh số dòng xe này đang có dấu hiệu suy giảm, nên nếu phải tăng giá xe để bù cho chi phí nghiên cứu sẽ là một phương án bất hợp lý. Hơn nữa, phân khúc xe máy sử dụng động cơ nhỏ hơn 50cc dường như chỉ phổ biến tại Nhật, các thị trường nước ngoài không chuộng nên sẽ khó có cơ hội bán nhiều hơn. 

Như tại Việt Nam, phần lớn người sử dụng các mẫu xe máy có động cơ dưới 50cc là học sinh, sinh viên, bởi giá thành phải chăng, tiết kiệm nhiên liệu, nhỏ nhẹ dễ sử dụng, và quan trọng hơn hết là chưa yêu cầu bằng lái. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của dòng xe này tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với dòng xe có dung tích động cơ từ 50cc đến dưới 175cc.

Năm sau, Honda dừng sản xuất xe máy cỡ nhỏ: Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?- Ảnh 2.

Một chiếc xe máy Honda dùng động cơ 50cc tại Nhật Bản.

Câu chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra tại Nhật Bản. Sau chiến tranh, người dân Nhật sử dụng dòng xe này vì giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu. Không chỉ học sinh, sinh viên sử dụng, mà người đi làm tại Nhật cũng vẫn sử dụng dòng xe này.

Tại phân khúc xe máy cỡ nhỏ này, Honda được xem là nhà sản xuất tiên phong khi cho ra mẫu xe Super Cub C100 huyền thoại sử dụng động cơ 49cc vào năm 1958. Một điều cũng đáng nhắc tới là dòng Super Cub là dòng xe bán chạy thứ 2 của hãng trên toàn thế giới. Tổng cộng, đã có khoảng 110 chiếc được sản xuất.

Năm sau, Honda dừng sản xuất xe máy cỡ nhỏ: Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?- Ảnh 3.

Honda Super Cub 1958. Ảnh: Top Speed

Tuy nhiên, với tình hình tiêu chuẩn khí thải hiện nay thì Honda Super Cub gần như không còn cơ hội kế tụng lịch sử huy hoàng, trừ khi được đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn mới. Cụ thể hơn, Nhật Bản sẽ thắt chặt tiêu chuẩn với khí thải độc hại từ tháng 11/2025. 

Với đặc điểm dung tích nhỏ, động cơ 50cc hoặc nhỏ hơn khó được trang bị bộ lọc chuyển đổi khí thải để đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Tại Nhật, những mẫu xe máy cỡ nhỏ này có giá từ 200.000 yên đến 300.000 yên, tương đương từ khoảng 31,8 triệu đồng đến 47,7 triệu đồng. 

Giả sử những mẫu xe này được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, giá thành của chúng dự tính còn cao hơn cả những mẫu xe có dung tích đến 125cc, vốn có giá từ 300.000 yên đến 450.000 yên (tương đương từ khoảng 47,7 triệu đồng đến 71,5 triệu đồng).

Năm sau, Honda dừng sản xuất xe máy cỡ nhỏ: Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?- Ảnh 4.

Các mẫu xe máy bán tại Việt Nam có thể không bị ảnh hưởng. Ảnh: Honda Việt Nam

Tại Việt Nam, các mẫu xe máy hiện tại của Honda dường như sẽ không bị tác động, bởi tiêu chuẩn khí thải chỉ áp dụng tại Nhật.

Tuy nhiên, một điều cần nhắc tới là Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Một trong những điều quan trọng cần phải làm để đạt được mục tiêu này là điện hóa phương tiện giao thông.

Honda cũng đã từng đưa ra thời hạn cho những mẫu xe máy chạy xăng của mình. Theo đó, hãng xe Nhật có kế hoạch chỉ bán xe điện từ năm 2040, bao gồm cả ô tô và xe máy. Những mẫu xe hai bánh của hãng sẽ sử dụng pin rời có thể hoán đổi.

Theo Nhật Quỳnh

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên