MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Năm tuổi" của lợn

24-01-2020 - 10:23 AM | Doanh nghiệp

Để phòng dịch, hàng trăm trại lợn phải đóng kín, cán bộ có khi phải "cắm trại" đến 2-3 tháng liền, mỗi lần ra vào phải ở lại khu nhà khách ít nhất 72 tiếng để cách ly…

"Đợt này lên Thiên đình chắc ông Công, ông Táo báo với Ngọc Hoàng rằng nông dân nuôi heo năm nay mất Tết", ông Nguyễn Văn Ký nhìn ra khu chuồng lợn cũ cảm thán. 

Gia đình ông Ký mất hơn 100 lợn vì dịch tả châu Phi. Hơn 100 con trong tổng số khoảng 6 triệu con trên cả nước bị tiêu hủy trong năm Kỷ Hợi, theo số liệu được nhà chức trách công bố. Con số này chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn nuôi, khiến giá của loại thực phẩm phổ biến nhất với người Việt "nhảy múa" theo một kịch bản ít ai ngờ, khiến doanh nghiệp trải qua một năm vất vả, và hơn hết là ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân...

3 bộ giường cho lợn đẻ "giá 8 triệu" bỏ bên bờ ao là những dấu vết còn lại về nghề nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Ký. Khu chuồng trại rộng hơn 200 m2 đã được chuyển hẳn sang nuôi vịt từ 3 tháng nay, không lâu sau khi chính tay ông phải đào hố chôn đàn lợn bị tiêu hủy ở mấy sào đất bên cạnh. Buổi tiêu hủy kéo dài từ 7h sáng đến quá trưa, với sự chứng kiến của đầy đủ các ban ngành xã Đồng Thanh, huyện Kim Động (Hưng Yên).

Những bộ giường cho lợn đẻ bị bỏ lại bên bờ ao nhà ông Nguyễn Văn Ký. Ở xã Đồng Thanh quê ông, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề nuôi lợn như thế.

Tự nhủ "làm chăn nuôi thì con gì cũng vất vả" song ông Ký vẫn nhớ nhất những ngày mất ăn mất ngủ vì dịch tả lợn châu Phi: Đầu tháng 3/2019 khi con heo đầu tiên trong đàn lên cơn sốt đến 42 độ. Bằng kinh nghiệm lâu năm, ông cũng mua thuốc hạ sốt tiêm cho lợn. Thông thường chích thuốc xong, thân nhiệt con vật sẽ dần hạ về mức bình thường nhưng lần này, mũi thuốc đầu tiên không có tác dụng. Đến mũi chích thứ 2, nhiệt độ hạ thẳng một mạch từ 42 về 32 rồi con vật "lăn ra chết". Con thứ nhất, rồi con thứ 2, thứ 3 ngã xuống…

Người đàn ông 52 tuổi nhấc điện thoại thông báo cho cán bộ thú y xã. Hôm sau cán bộ xuống lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm ở Hà Nội. Kết quả phải chờ một tuần vì cả miền Bắc mới có một trung tâm.

Một tuần ấy với vợ chồng ông Ký dài như một năm. Đêm không ngủ, chốc chốc 2 vợ chồng lại chạy ra chuồng lợn xem có thêm con nào yếu đi không, trong lòng vẫn hy vọng lợn chết chỉ là cá biệt, cả đàn không dính dịch...

Thế rồi đàn lợn 110 con được thông báo dương tính với tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy. Sáng hôm ấy, khoảng chục người - từ Chủ tịch xã, cán bộ nông nghiệp, cán bộ thú ý đến công an, dân quân tự vệ... - đi xe máy đến nhà ông Ký từ sớm. Họ cùng gia đình chích điện, đào hố bên khu vườn chuối, phủ vôi bột rồi chôn cả đàn lợn mà có thời là nguồn thu nhập chính giúp ông Ký cho 3 đứa con đi học.

Với mức hỗ trợ 32.000/kg lợn hơi bị tiêu hủy từ nhà nước, gia đình 5 người của ông Ký nhận được khoảng 250 triệu đồng, trong đó đã được lĩnh một nửa, phần còn lại huyện cam kết trả trong năm 2020. "Kể cả khi nhận đủ, tôi vẫn lỗ hơn 100 triệu đồng cho đàn lợn năm qua. Vườn đào sau nhà đang hãm nở để bán Tết này chắc cũng không bù được nửa con số ấy", người nông dân gắn bó với con lợn nửa đời người tính toán.

Năm tuổi của lợn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Ký

Khu chuồng lợn ngày nào đã được ông Ký chuyển sang nuôi vịt.

Sau khi huỷ hết đàn lợn, trong 8 tháng chờ nhận phần tiền còn lại từ Nhà nước, một đơn vị chuyên về cám vịt đến gặp vợ chồng ông Ký, cam kết hỗ trợ một phần thức ăn, kinh phí để gia đình chuyển đổi mô hình nuôi lợn sang nuôi vịt. Ông Ký gật đầu và trở thành một trong những hộ dân cuối cùng trong thôn Công Luận chuyển đổi từ nuôi lợn sang làm nghề khác.

Đối diện bên kia bờ ao nhà ông Ký là trại vịt của ông Hiển, người đã mất cả tỷ đồng bởi cơn bão giá thịt lợn năm 2017-2018. Cạnh đó là trại ngan và vườn chuối của 2 vợ chồng ông Hợi, những người cùng từng sống nhờ vào thu nhập từ hơn chục con lợn nái…

Năm tuổi của lợn - Ảnh 2.

Năm 2015, lúc còn đang đương chức ở Hà Nội, vợ chồng ông Vinh, bà Thư* được bạn bè rủ về quê, liên kết với doanh nghiệp để làm trại lợn gia công. Sẵn thích "điền viên" khi về già, 2 vợ chồng khá hài lòng khi được một tập đoàn có vốn nước ngoài gặp gỡ, trao đổi về kế hoạch xây dựng trại lợn. Theo lời bà Thư, họ đã vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng: bỏ vốn 5 tỷ đồng làm trại, cho doanh nghiệp thuê lại, mỗi tháng thu về khoảng 150 triệu đồng.

Vợ cắm nhà, chồng cắm đất vay ngân hàng được 3,6 tỷ đồng, cùng với khoản vay mượn từ anh em họ hàng, vốn tự có, hai ông bà về xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên xây trại vào cuối năm 2015. Trại chưa xong thì đến tháng 7/2016, đúng đợt bão đổ bộ Hưng Yên, 1 trong 3 trại kép của bị gió cuốn bay, mất trắng 400 triệu đồng. Bà Thư nhận ra 5 tỷ không đủ và việc làm trại. "Nó không đơn giản chỉ là 10 con gà đẻ ra 10 quả trứng, 100 quả trứng nở được trăm con", bà Thư ngẫm lại.

Ông Vinh nhìn về khu trại được đầu tư bài bản, nhưng khiến vợ chồng ông vất vả suốt mấy năm qua.

Trại lợn nằm trên một phần mảnh đất 4 ha đội vốn lên 9 tỷ đồng. Tháng 3/2017, đối tác ngoại đến nghiệm thu rồi ký hợp đồng thuê toàn bộ trại trong thời gian 5 năm. "Họ nuôi khoảng 3.000 con lợn trong đó, mỗi tháng thực hiện đúng cam kết trả 150 triệu đồng. Hợp đồng thực hiện được đúng 2 năm 2 tháng thì dịch tả lợn châu Phi ập đến...", bà Thư kể.

Hai ông bà kể lại ban đầu, doanh nghiệp chuyển lợn đi khỏi các trại gia công với lý do cách ly, sau đó họ gọi điện cho chủ trại báo tin không thể tiếp tục nuôi lợn, dừng chi trả tiền thuê. Một phương án được đưa ra là chuyển đổi trại sang nuôi gà, song chi phí thuê chỉ còn là 45 triệu đồng, thay vì 150 triệu đồng như trước.

Bà Thư "rụng rời chân tay" khi tìm lại hợp đồng thấy điều khoản: "Trong quá trình sử dụng trang trại, nếu có sự cố ngoài tầm kiểm soát như thiên tai, dịch bệnh, châp cháy… thì không bên nào được bắt đền bên nào". Điều này đồng nghĩa gia đình ông bà không chấp thuận phương án doanh nghiệp đề xuất thì họ có thể rời đi mà không vi phạm hợp đồng. Từ đó, trại lợn đóng cửa 5 tháng, vợ chồng ông Vinh "mất trắng" 750 triệu trong khi vẫn phải đi làm công để trả lãi nhà băng.

Qua cơn đại dịch, bà Thư càng nhận ra nghề làm chăn nuôi không hề đơn giản. Dù hiện đã có doanh nghiệp khác đến thuê trại với mức giá tương đương trước đây, 2 vợ chồng vẫn không hết lo lắng...

Năm tuổi của lợn - Ảnh 3.

72 km là quãng đường chị Chinh phải đi về mỗi ngày để tới phiên chợ cóc buổi chiều trong con ngõ trên đường Kim Mã (Hà Nội). Cả năm nay, chị Chinh lấy công đi quãng đường ấy cùng với 4 tiếng đứng chợ hàng ngày làm lãi. Nhưng ngay cả mức lãi "mỏng" ấy cũng ngày càng khó kiếm trong bối cảnh thịt lợn lên xuống "vui buồn như con nít".

Sau cơn bão giá giai đoạn 2017-2018, giá lợn có phần hồi phục vào Tết năm ngoái, nhưng dịch tả bắt đầu lan ra từ đầu 2019. Người dân đua nhau tẩy chay dù Nhà nước có tuyên truyền ra sao. Sau đó thì thịt lại khan hiếm, lên giá, các gia đình lại chuyển sang ăn thức ăn khác. 

"Thịt lợn năm nay khó bán hơn trước, có khách cách 2-3 tuần mới quay lại mua. Không ít ngày, tôi phải dọn hàng lúc 7h tối, mang phần thịt ế qua các nhà hàng ăn bán với giá 10.000 đồng/kg rồi về đến nhà là lúc 9h. Con cái, cơm nước để một tay chồng lo", người phụ nữ 30 tuổi thuật lại.

Chị Chinh nhớ lại những năm trước, số tiền phải mang theo mỗi lần đi chợ, bao gồm tiền trả lò mổ để nhập 40 kg lợn móc hàm, tiền trả lại cho khách mua… chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Nay con số này lên tới 4 triệu mà cũng chỉ nhập được 25-30 kg thịt.

"Đỉnh điểm thịt lợn tăng lên gần 200.000 đồng/kg, tôi gần như không bán được hàng. Người tiêu dùng chuyển sang ăn thịt bò, ăn thịt gà hay cá… Họ bảo là không dại gì ăn thịt lợn 200.000 đồng cả", chị Chinh kể.

Năm tuổi của lợn - Ảnh 4.

Tham dự rất nhiều hội nghị, hội thảo hồi cuối năm 2018 với tư cách doanh nghiệp đầu ngành, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco khá tự tin với triển vọng của năm Hợi, nhờ vào đà hồi phục sau giai đoạn bão giá. Bản thân ông cũng đặt cho doanh nghiệp của mình kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 53% và 3% so với năm trước.

"Nhưng đến Tết tự nhiên tôi thấy trong người không yên, thấp thỏm khó tả. Đó cũng là lúc dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện và lan rộng ở Trung Quốc", vị doanh nhân kỳ cựu trong ngành chăn nuôi kể lại.

Cơn dịch quét qua ngay sau Tết khiến ngay cả những doanh nghiệp phòng bị bài bản như Dabaco cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Khu trại ở Hà Nam xuất hiện lợn chết, phải tiêu hủy toàn bộ để tránh lây lan. Những hệ quả khác từ thị trường bên ngoài như người dân bỏ nuôi, lượng cám bán không tiêu thụ được… cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo với ông So và Dabaco.

Để phòng dịch, hàng trăm trại lợn phải đóng kín, cán bộ có khi phải "cắm trại" đến 2-3 tháng liền, mỗi lần ra vào phải ở lại khu nhà khách ít nhất 72 tiếng để cách ly… "Cá nhân tôi là chủ tịch nhưng từ khi có dịch chưa dám xuống trại lợn nào, tất cả đều họp trực tuyến, theo dõi qua camera", ông So kể. Chủ tịch Dabaco cho biết thời điểm ông lo lắng nhất là vào tháng 6, tháng 7 khi 63 tỉnh đều có dịch.

Tuy vậy, từ những kinh nghiệm của nhiều năm khó khăn cũng như việc thắt chặt phòng dịch, doanh nghiệp của ông So đã từng bước ngăn chặn được dịch cúm lan rộng, bảo toàn được phần lớn đàn lợn nuôi, thậm chí mở rộng thêm chuồng trại để sớm tăng quy mô đàn so với giai đoạn trước dịch.

"Tết năm nay có vẻ cảm nhận trong người vui vẻ hơn", ông So nói.

Mỗi lần nói đến khu trang trại cùng khoản nợ chưa biết năm nào mới trả hết, Phương* - con gái ông Vinh, bà Thư lại nói: "Bố mẹ tôi giờ chắc chỉ sống bằng niềm tin và hy vọng vào sự may mắn".

Không phải mỗi ông Vinh mà bà Thư, ông Ký, ông So và cả chị Chinh... cũng đều đặt niềm tin vào con lợn ở năm Tý, năm Sửu và những năm sau nữa.

Ông Vinh, bà Thư tin tưởng vài năm nữa thôi, khi dịch tả lợn châu Phi chỉ còn là ký ức, trại lợn của ông bà sẽ là nơi mà mọi doanh nghiệp đều muốn hợp tác, ông bà sẽ trả hết nợ ngân hàng, khu đất với trại lợn, vườn đu đủ, hồ cá... sẽ là nơi họ thỏa ước mơ làm nông nghiệp.

Chị Chinh thì mong người tiêu dùng sẽ sớm quay lại ăn thịt lợn, chị sẽ không phải chăng bóng điện bán hàng, có thể về sớm để lo cơm nước và bài vở cho các con.

Ông Ký thì tin tưởng thế giới có rất nhiều người giỏi, họ sẽ tạo ra vắc xin phòng ngừa dịch, rồi ông sẽ lấy tiền từ vườn đào đang nở rộ để xây một cái trại to hơn, kín hơn, hiện đại hơn để tái đàn. Ông sẽ không bỏ nghề nuôi lợn vì nó đã gắn với gia đình ông như số phận, ông sẽ tiếp tục hy vọng. 3 chiếc cũi đẻ trị giá 24 triệu đồng đang để ở mé ao sẽ lại được mang vào phục vụ đàn lợn nái. Ông Ký so sánh niềm tin của mình như cách người hâm mộ tin vào đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Nông dân sẽ tái đàn mạnh khi dịch qua đi cũng là hy vọng của ông So để đàn lợn quốc gia mau trở lại mốc trước dịch, bởi ông tin con số thiệt hại thực tế nhiều hơn mức 9-10% được công bố. 

Bản thân doanh nghiệp của ông cũng dự tính sẽ tái đàn, lấp đầy những khu chuồng mới vào tháng 3 năm này, sớm hoàn thành kế hoạch lãi 455 tỷ đồng cho năm 2020. "Tôi tin rằng qua cơn dịch này, bộ mặt ngành chăn nuôi Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi, nghiêng về những người chăn nuôi chuyên nghiệp. Bởi chỉ có làm chuyên nghiệp thì mới cầm cự được, tính toán được và đủ sức phòng bị khi biến cố xảy ra", ông So nói. 

Bài & Ảnh: Thủy Tiên - Nhật Minh Thiết kế: Bảo Linh/NDH

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên