Nan giải vấn đề 1 triệu tỷ đồng ứ đọng trong hệ thống ngân hàng
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, lượng tín phiếu kho bạc trong hệ thống ngân hàng là gần 1 triệu tỷ đồng, lớn gấp 2 lần dự trữ của các nhà băng tại NHNN. Giải phóng được lượng vốn tồn này sẽ có tác động không nhỏ đến tổng cầu của nền kinh tế.
- 19-07-2023HDBank đã thoái một phần vốn tại Vietjet, hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư
- 19-07-2023Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận nửa đầu năm làm ăn ra sao?
- 19-07-2023Agribank rao bán một khách sạn "đang hoạt động tốt", được xây dựng trên diện tích đất hơn 2.700 m2
Tại Diễn đàn Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 "Vượt gian khó đón tương lai" do Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Diệu - Trưởng phòng nghiên cứu, vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay từ đầu năm, khi nền kinh tế bắt đầu khó khăn, NHNN đã có những biện pháp hỗ trợ ngay lập tức và là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới hạ lãi suất, dù cảnh báo về lạm phát vẫn còn cao. Đến hiện tại, tình hình bão giá vẫn đang diễn biến phức tạp, khi lạm phát lõi vẫn đang cao. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang ở mức thấp.
Bà Diệu nói thêm, đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam, hiện rất nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao và tăng trưởng thấp (đình lạm). Trong tình hình đó, chỉ sử dụng các chính sách tiền tệ thông thường không thể thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế, ngược lại có thể làm lạm phát trầm trọng hơn. Mặt khác, từ đầu năm 2022 đến nay, các nước phát triển đang đề xuất lý thuyết trọng cung hiện đại để giải quyết vấn đề này. Trong đó, vấn đề phát triển các mục tiêu dài hạn được nhấn mạnh và đầu tư công là một trong những trọng điểm.
“Muốn thực hiện các chính sách này trước hết phải có nguồn tài chính. Hiện vẫn còn 1 triệu tỷ của kho bạc nhà nước vẫn đang nằm trong hệ thống ngân hàng. Đây là một con số rất lớn, gấp 2 lần dự trữ của ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương. Phải tìm cách đẩy mạnh đầu tư công để giải ngân lượng vốn này”, bà Diệu nhận định
Ngoài ra, bà Diệu cũng chỉ ra nhiều bài toán của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Theo đó, ở phía Ngân hàng Nhà nước, do là một đơn vị trực thuộc Chính phủ, nên hiện cơ quan này đang phải cùng lúc thực hiện cả 2 mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Chuyên gia này nói thêm, hiện hệ thống ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn, song lại cho vay trung và dài hạn. Điều này tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Vì vậy, các ngân hàng cũng đang có những sự cẩn trọng nhất định. Do đó, cần phải có những giải pháp phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường cung ứng vốn trung và dài hạn để giảm tải cho hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, bà Diệu cũng lưu ý các cơ quan ban ngành và đoàn thể cần thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, nắm bắt xu hướng phát triển bền vững và xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm sự hỗ trợ về mặt chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm là linh hoạt và kịp thời. Tuy nhiên, để nền kinh tế phục hồi vẫn cần có sự giúp sức của chính sách tài khóa. Trong đó, đầu tư công sẽ là một trong những nhân tố quyết định. Ngoài ra, sự nhanh nhạy, linh hoạt và chủ động của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào đà phục hồi của tăng trưởng GDP.
Nhịp sống Thị trường