Nâng hạng PCI của Đà Nẵng: Doanh nghiệp thân hữu được ưu ái hơn?
Theo các chuyên gia kinh tế và các Hiệp hội doanh nghiệp, Đà Nẵng muốn nâng CPI cần tăng cường các chỉ số minh bạch thông tin.
Lâu nay, TP Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh khá thuận lợi và hấp dẫn. Điều này được đánh giá qua kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm, Đà Nẵng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng PCI trong 7 năm, giữ vị trí thứ 2 trong 4 năm. Thế nhưng, năm 2017, Đà Nẵng tụt xuống vị trí thứ 2, năm 2018, tụt xuống hạng 5, đây là sự sụt giảm điểm mạnh.
Làm gì để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lấy lại ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng PCI là điều mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trăn trở. Theo các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp, điều Đà Nẵng cần tập trung nhất là tăng cường các chỉ số minh bạch thông tin.
Kết quả tổng hợp điểm số về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng năm 2018 cho thấy, có 6 chỉ số thành phần vừa giảm điểm vừa tụt hạng. Đó là chỉ số chi phí gia nhập thị trường; Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin rơi 20 bậc từ vị trí thứ 5 xuống thứ 25.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được đầu tư hạ tầng hoàn thiện.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia quản lý dự án Đo lường hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) thuộc chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, chỉ có 2,8% đến 8,2% dịch vụ hành chính công ở Đà Nẵng được thực hiện qua cổng thông tin điện tử. Còn lại người dân và doanh nghiệp phải giao dịch trực tiếp với chính quyền cơ sở và cán bộ địa chính đất đai.
“Số người tiếp cận một cửa điện tử hiện nay tại Đà Nẵng đang rất là thấp, dao động từ 2,8 - 8,2% cho 3 loại dịch vụ mà PAPI đo lường. Đặc biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần lớn thời gian người dân đến gặp trực tiếp cán bộ công chức chứ không đi qua bộ phận một cửa điện tử. Điều này có thể gây điểm nghẽn trong cung ứng dịch vụ”, bà Huyền cho biết.
Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cho rằng, trong hoạt động kinh doanh, thông tin phục vụ cho việc ra quyết định đầu tư kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng. Ông Hà Đức Hùng đề nghị, vấn đề tiếp cận thông tin cũng như minh bạch công khai các tài liệu, dữ liệu của Đà Nẵng phục vụ cho hoạt động doanh nghiệp cần được cải thiện.
“Thành phố nên công bố những quy hoạch cũng như bố trí quy hoạch từ vị trí đất đai chưa bố trí để cho tất cả mọi người, ai cũng có thể tiếp cận được, cứ như hiện nay, doanh nghiệp tìm cơ hội như thế rất khó. TP cũng cần nâng cao năng lực công nghệ như mã hóa hồ sơ, gắn chíp để biết bộ hồ sơ đó đang nằm ở Sở nào. Lãnh đạo các Sở cũng biết các chuyên viên của mình xử lý đến đâu, bộ phận nào có trục trặc gì và cuối cùng cần rút ngắn thời gian thủ tục hành chính”, ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng cho biết, qua điều tra của VCCI cho thấy, cạnh tranh giữa các loại hình doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã bình đẳng hơn, nhưng các doanh nghiệp thân hữu với cán bộ nhà nước được ưu ái hơn.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, các dịch vụ công như xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo...nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể cung ứng rất tốt, được thị trường chấp nhận nhưng hầu như chưa được tham gia. Vì vậy theo ông Quang, Đà Nẵng cần tăng cường tính minh bạch thông tin.
“Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia dịch vụ công rất thấp, trong khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin cho biết, những công việc đó họ hoàn toàn có thể làm được nhưng khi nhận thầu họ thường thất bại. Cần phải minh bạch chuyện này, đặc biệt là phải có cơ chế giám sát, minh bạch thông tin, từ đó tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia để thiết kế những chính sách thông minh hơn”, ông Quang đề xuất.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, tổng hợp từ những phản ánh của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho thấy, chi phí gia nhập thị trường đã giảm nhưng sự sẵn sàng của các cơ quan chính quyền không được cải thiện.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Đà Nẵng cần minh bạch thông tin. |
Trong khi đó, cơ hội đầu tư các dự án đầu tư công dành cho doanh nghiệp không bình đẳng, không dựa vào năng lực mà dựa vào quan hệ. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Thành đề nghị Đà Nẵng cần cải thiện tính minh bạch thông tin.
“Chính quyền TP Đà Nẵng cần có sự chỉ đạo quyết liệt trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, trong việc cải thiện tính minh bạch, sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Bình đẳng ở đây là kinh doanh không dựa vào quan hệ để có thể cải thiện mạnh chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, ông Thành gợi ý.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận, các chỉ số thành phần như Cạnh tranh bình đẳng tụt hạng một cách nghiêm trọng từ vị thứ 37 xuống vị thứ 55; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tụt hạng từ 9 xuống 41; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin tụt hạng từ 20 xuống 25; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố tụt hạng từ 6 xuống 20. Đây là những điểm yếu mà Đà Nẵng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, năng động.
Trong đó, Đà Nẵng sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách minh bạch, công khai, phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận về đất đai, tín dụng... nhằm mục đích đảm bảo chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật./.
VOV