Hệ thống bán lẻ xăng dầu - nỗi lo rơi vào tay nước ngoài
Hiện cả nước có khoảng 4.000 tổng đại lý xăng dầu với trên 13.000 cửa hàng bán lẻ. Trong số này, khoảng 3.000 là thuộc hệ thống của các DN đầu mối, còn trên 10.000 cửa hàng là do tư nhân đầu tư.
Theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, số cửa hàng tư nhân này chiếm ít nhất 60% thị phần tiêu thụ trên toàn quốc hiện nay. Nếu phần lớn số đại lý này rơi vào tay DN nước ngoài, thì đồng nghĩa với việc phần lớn thị phần trong nước cũng rơi vào tay họ.
Dù còn đến 5 năm nữa mới là thời điểm chính thức mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài theo cam kết, tuy nhiên hiện nay các DN đầu mối trong nước đã bắt đầu thấy sức ép lớn ở sau lưng.
Thực tế đang cho thấy những người lo xa là những người khôn ngoan, khi đã có những dấu hiệu cho thấy “đại gia” xăng dầu nước ngoài đã ngấp nghé những vị trí đẹp nhất, để chuẩn bị cho chuyến đổ bộ của mình. Trong khi đó, với hệ thống phân phối trên 70% số cửa hàng bán lẻ thuộc về các đại lý tư nhân hiện nay, sự liên kết là vô cùng lỏng lẻo và rất dễ dàng tan rã.
Là một trong những người thường xuyên bày tỏ sự ưu tư về thị trường bán lẻ trong nước ngay từ khi làm Giám đốc của Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (thành viên của Petrolimex), ông Trịnh Quang Khanh (hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam) mới đây cho biết, ông đã đi khảo sát dọc tuyến Hà Nội lên Hòa Bình và thấy đã có những cây xăng tư nhân được Total, Mobil trang bị và sơn sửa như một cây xăng thuộc hệ thống của họ.
Là những thương hiệu nổi tiếng thế giới, BP, Total, Mobil hiện đang kinh doanh dầu nhờn tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã tính cho tương lai rất sớm khi chọn các cây xăng ở vị trí đẹp nhất, đầu tư sơn lại toàn bộ cửa hàng theo màu như hệ thống của mình; trang bị lại toàn bộ hệ thống biển, bảng, kể cả biển báo chữa cháy theo chuẩn của họ. Ngoài ra, họ trang bị thêm cho mỗi cửa hàng một hệ thống máy tính và một bộ bàn ghế, cũng mang màu sắc đặc trưng của Mobil, Total. Tất nhiên việc trang bị này hoàn toàn miễn phí. Không chủ một cây xăng nào từ chối lời đề nghị hấp dẫn như vậy.
Tuy nhiên, ông Trịnh Quang Khanh cho biết sự đầu tư này không phải là không có điều kiện. Theo như trao đổi với các chủ cửa hàng, họ có thỏa thuận sau khi các DN kia được vào thị trường, sẽ trở thành đại lý cho họ. Sự chuẩn bị của họ không phải là quá sớm, trong khi các DN trong nước hầu như chưa ý thức được tình hình.
Vấn đề đáng nói là ở chỗ, kể cả họ không đầu tư kiểu “đặt gạch” như thế này, thì cũng có rất ít đại lý sẽ từ chối. “Hiện nay các đại lý làm việc với đầu mối theo kiểu mua đứt bán đoạn. Đầu mối đưa hàng, trong vài ngày đại lý sẽ phải thanh toán, sau đó buôn bán lỗ lãi kệ ông. Rất nhiều thời điểm các đại lý kinh doanh lỗ vì hoa hồng quá thấp. Trong khi đó, nếu nước ngoài vào, họ sẽ đầu tư toàn bộ, đại lý chỉ việc bán rồi lấy thù lao, không phải lo lỗ lãi. Cửa hàng thì được đầu tư nâng cấp. Không ai từ chối một thỏa thuận hấp dẫn như thế”, ông Trịnh Quang Khanh nhận định.
Không chỉ thu hút các đại lý, các DN nước ngoài cũng sẽ không ngần ngại mà mua đứt lại địa điểm với giá cao. Có thể nhìn thấy điều đó từ những vị trí mà các “đại gia” bán lẻ nước ngoài như Big C, Metro hiện có; hay thậm chí những vị trí đầu tư khách sạn, trung tâm thương mại đắc địa nhất hầu như cũng thuộc về tay DN nước ngoài.
Hiện cả nước có khoảng 4.000 tổng đại lý xăng dầu với trên 13.000 cửa hàng bán lẻ. Trong số này, khoảng 3.000 là thuộc hệ thống của các DN đầu mối, còn trên 10.000 cửa hàng là do tư nhân đầu tư. Theo ông Trịnh Quang Khanh, số cửa hàng tư nhân này chiếm ít nhất 60% thị phần tiêu thụ trên toàn quốc hiện nay. Nếu phần lớn số đại lý này rơi vào tay DN nước ngoài, thì đồng nghĩa với việc phần lớn thị phần trong nước cũng rơi vào tay họ.
Hiện nay thị phần của Petrolimex chiếm trên 50%, tuy nhiên phần họ thực sự nắm giữ bằng hệ thống đại lý của mình thấp hơn con số này rất nhiều. Đa phần hệ thống phân phối của Petrolimex hiện nay phụ thuộc vào các đại lý tư nhân, dù tập đoàn này được biết đến như là DN rất có ý thức về chuyện xây dựng hệ thống đại lý của chính mình, nhằm chuẩn bị cho tương lai.
Ưu thế của Petrolimex hiện nay chỉ là ở nguồn cung ổn định, còn chính người trong tập đoàn cũng thừa nhận họ là đơn vị trích hoa hồng thấp nhất. Khi “đại gia” nước ngoài vào với tiềm lực còn mạnh hơn, thì ưu thế cạnh tranh của Petrolimex cũng không còn nữa.
“Bây giờ là lúc còn thời gian để chuẩn bị, chúng ta phải có chính sách tạo điều kiện cho các DN xăng dầu phát triển hệ thống đại lý, nâng cao chất lượng. Và chính các DN cũng phải có ý thức xây dựng hệ thống đại lý của mình. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho DN về các thủ tục, quỹ đất để xây dựng cửa hàng. Nếu không, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ không còn kịp nữa” - ông Trịnh Quang Khanh bày tỏ.
Theo V. Hân