Mỹ trừng phạt các thực thể giúp Tehran bán dầu mỏ
Ngày 6/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo mở rộng trừng phạt với các doanh nghiệp của Iran bị Mỹ cho là các công ty "bình phong" của Chính phủ Iran ở nước ngoài nhằm trốn tránh lệnh cấm xuất nhập khẩu dầu của Mỹ.
Lệnh áp đặt trừng phạt mới được áp dụng đối với mạng lưới
công ty của doanh nhân người Iran Seyed Seyyedi. Ông Seyed Seyyedi là Giám đốc
công ty Sima General Trading và nhiều chi nhánh dưới các tên khác có trụ sở tại
Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Lệnh trừng phạt mở rộng còn được áp đặt đối với các đại diện của công ty dầu
khí quốc gia Iran National Iranian Oil Company tại châu Âu.
Khi các chế tài được thực thi, các cá nhân và công ty của Iran có thể bị ngăn
chặn tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ đồng thời mọi tài sản của các cá nhân và
công ty trên thuộc quyền tài phán của Mỹ đều đối mặt với khả năng bị phong tỏa.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề khủng bố và tình
báo tài chính David Cohen nêu rõ các biện pháp trừng phạt của Washington đối với
hoạt động buôn bán dầu mỏ của Tehran là một thành tố rất quan trọng nhằm duy
trì sức ép lên Chính phủ Iran và Mỹ sẽ không cho phép Iran giải tỏa sức ép đó
thông qua sự lẩn tránh và mưu mẹo.
Cùng ngày, với lý do giúp các nước giảm bớt tác động của các đòn trừng phạt,
ngày 6/9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tiếp tục gia hạn cho một loạt quốc gia
thêm 6 tháng chưa phải thực thi lệnh cấm vận nhập dầu lửa của Iran.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
cho biết các nước được gia hạn thêm 6 tháng đợt này gồm Nhật Bản và 10 nước thuộc
Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, chính EU cũng đã quyết định cấm nhập khẩu dầu
của Iran từ tháng 7/2012.
Đây là lần thứ 4 Mỹ gia hạn miễn áp dụng cho 11 quốc gia này. Mục đích của việc
gia hạn là để cho các nước này từng bước tự giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Với
Nhật Bản, lượng dầu nhập khẩu từ Iran trong tháng Sáu vừa qua đã giảm 38,1% so
với cùng kỳ năm trước.
Theo lộ trình, đến tháng 12 tới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ xem xét để có thể gia hạn
miễn áp dụng thêm 6 tháng đối với những quốc gia đã được gia hạn hồi tháng Sáu
vừa qua, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc.
Giữa năm 2011, Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran với hy vọng bóp
nghẹt nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này. Do lệnh cấm của Mỹ, nguồn thu từ xuất
khẩu dầu lửa của Iran trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 58%, xuống chỉ còn 3,4
tỷ USD./.