Thuế là một trong những “tội đồ” khiến giá xăng tăng nhanh giảm chậm?
Giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, phải điều chỉnh thuế nhập khẩu liên tục, gây khó khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý chức năng.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), việc không thực hiện ổn định thuế nhập khẩu như quy định tại Điều 25 của Nghị định 84 và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá xăng dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi thì tăng cao, tăng nhanh nhưng giảm thì nhỏ giọt khiến dư luận không đồng tình.
Chính vì thế ông
Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất Nghị định 84 sửa đổi
lần này nên bổ sung Điều 25 là “Ổn định
thuế nhập khẩu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản
lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý.”
Theo ông Ruệ,
nguồn thu từ xăng dầu chiếm khoảng 10% ngân sách nhà nước, đây là nguồn thu rất
quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Thời
gian qua, việc điều chỉnh thuế hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu bình ổn giá
nên mục tiêu thu ngân sách trở thành thứ yếu.
Mặc khác, giá dầu
thế giới diễn biến phức tạp, phải điều chỉnh thuế nhập khẩu liên tục, gây khó
khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người
tiêu dùng và các cơ quan quản lý chức năng.
“Ổn định thuế nhập
khẩu trong năm với mức thuế suất thấp hơn 40% so với cam kết của Việt Nam khi
gia nhập WTO. Thuận tiện cho giá cơ sở do ổn định yếu tố thuế nhập khẩu; đồng
thời cũng thuận tiện cho quyết định giá bán của thương nhân đầu mối” – Ông Ruệ
nói
Đồng tình với
quan điểm này, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Petrolimex bổ sung thêm: Việc ổn
định thuế nhập khẩu trong từng năm không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định được kế
hoạch sản xuất kinh doanh mà còn ngăn chặn được những hành vi trục lợi trong tạm
nhập tái xuất xăng dầu, cũng như đầu cơ kiếm lời mỗi lần tăng thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Bảo
thắc mắc “Một giải pháp được xem là tốt như vậy mà Petrolimex đã kiến nghị cả
10 năm nay vẫn không được Bộ Tài chính cấp nhận?”
Ông Nguyễn Thế
Dũng – Chủ tịch hội đồng thành viên, kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại
Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cho rằng, nếu việc ổn định thuế nhập khẩu theo năm
không thể thực hiện thì mức thuế cũng nên ổn định ở thời hạn 6 tháng để doanh
nghiệp có thể chủ động được phương án sản xuất kinh doanh của mình.
“Việc gần như
tháng nào cũng có sự điều chỉnh về thuế đối với mặt hàng xăng dầu như hiện nay
sẽ khiến doanh nghiệp không thể ‘chạy theo’ cơ quan thuế” – ông Dũng nói.
Doanh nghiệp chỉ nên được tự tăng giá xăng dầu 3%
Đóng góp ý kiến
sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập
đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, doanh nghiệp chỉ nên được phép tự
điều chỉnh trong phạm vi tối đa 3% thay vì 5% như dự thảo của Bộ công Thương.
“5% tương đương
với 1.000 đồng là con số tương đối lớn. Tôi cho rằng, doanh nghiệp chỉ nên được
điều chỉnh trong phạm vi từ 400 đồng đến 600 đồng mỗi lít là hợp lý, bởi với mức
này, người tiêu dùng có thể chấp nhận được” - Ông Bảo nói.
Khánh Linh