Xăng muốn như điện: Tăng giá 5% không xin phép?
DN sẽ tiếp tục được giao quyền định giá trong phạm vi 5%. Quỹ bình ổn chỉ trích lập khi có lãi, cửa hàng bán lẻ phải xin phép khi treo biển ngừng bán-là điểm mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 84.
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo sửa
đổi Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu. So với Nghị định 84 hiện hành,
bản dự thảo này được soạn công phu kỹ lưỡng với nhiều điều khoản chặt chẽ, quy
trách nhiệm trực tiếp cho các DN đầu mối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ về chất lượng,
số lượng, giá cả xăng dầu.
Tiếp tục được tự định
giá 5%
Nguyên tắc về giá bán xăng dầu vẫn được giữ nguyên. Theo đó,
giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà
nước. Nhà nước sẽ bù đắp chi phí khi DN tham gia bình ổn.
Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá vẫn giữ nguyên là 10 ngày,
nhưng biên độ điều chỉnh giá đã thay đổi.
Các mức biến động giá cơ sở so với giá bán lẻ để làm căn cứ
tăng giảm giá đã giảm từ mức 7%, 12% hiện nay xuống thành các mức 5% và 8%. Thời
gian để liên bộ Tài chính - Công Thương hồi âm cho DN về việc điều chỉnh giá sẽ
giảm từ 3 ngày hiện hành xuống còn 2 ngày.
Cụ thể, khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, trường hợp
các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% so với
giá bán lẻ hiện hành, DN phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Nếu biến động đầu vào giảm giá trên 5%, sau khi cơ quan có
thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp
luật (thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá... ), DN tiếp tục giảm giá bán lẻ của
mình, không hạn chế thời gian giữa 2 lần giảm giá và số lần giảm giá.
Ngược lại, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở
tăng trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành thì DN được quyền chủ động
tăng giá bán lẻ tương ứng với giá cơ sở.
Nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng hơn 5% đến
8%, DN phải gửi phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới liên bộ Tài chính
- Công Thương trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc. Quá hạn, nếu không có
văn bản trả lời của cơ quan quản lý nhà nước, DN sẽ được quyền tăng giá trong
phạm vi 5% cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng trên 5% đến 8%; 60% còn lại sử
dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tiếp đó, nếu quá thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi DN tăng
giá thêm 40% mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý nhà nước về
sử dụng Quỹ bình ổn thì DN sẽ tiếp tục được quyền chủ động tăng giá cho đủ
ngang bằng với giá cơ sở.
Mốc biến động tăng để áp dụng bình ổn giá sẽ giảm từ 12% hiện
nay xuống 8%. Cụ thể, nếu các yếu tố đầu vào lại làm giá cơ sở tăng trên 8% so
với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế -
xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố áp dụng các biện
pháp bình ổn giá xăng dầu.
Khi đó, nếu DN gửi báo cáo về điều chỉnh giá tới liên bộ Tài
chính - Công Thương, thì trong 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản, nếu
các cơ quan quản lý nhà nước không có văn bản trả lời, DN sẽ được quyền chủ động
điều chỉnh tăng tương đương giá cơ sở. Đồng thời, các DN sẽ phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật về mức giá điều chỉnh với cơ quan quản lý Nhà nước.
Trên thực tế, theo quan điểm của Bộ Công Thương, Nghị định
84 hiện nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Các DN xăng dầu thực chất chỉ được
giao quyền định giá trong 3 tháng đầu năm 2010. Ngay sau đó, liên bộ đã gần như
“rút” lại quyền này của DN và chủ động điều hành giá xăng dầu từ đó đến nay. Hiện
nay, giá xăng dầu vẫn đang do Nhà nước quy định.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước,
Nhà nước sẽ không thể giao toàn quyền định giá xăng dầu cho DN như dư luận lầm
tưởng trong thời điểm hiện nay, nhưng về lâu dài, Nhà nước sẽ rút dần bàn tay
can thiệp vào thị trường này, tiến tới một cơ chế thị trường thực sự.
Chỉ trích Quỹ bình ổn
khi lãi
Quỹ bình ổn xăng dầu là một trong những điểm gây nhiều tranh
cãi nhất thời gian qua. Petrolimex và Kiểm toán Nhà nước đều công khai gọi đây
là “quỹ ảo”. Khi hơn 3 năm qua, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu trích 300 đồng/lít
xăng dầu để lập quỹ, kể cả khi các DN đang lỗ. Thậm chí, khi cần bù đắp từ Quỹ,
các DN vừa lấy tiền từ Quỹ ra bù giá, lại vừa tiếp tục “nộp” tiền trích Quỹ mà
trên thực tế là tiền từ túi dân. Do khoản trích Quỹ này được tính vào kết cấu
giá bán.
Nghị định 84 sửa đổi đã điều chỉnh lại. Theo đó, việc trích
lập Quỹ sẽ chỉ thực hiện khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành, tức là
khi doanh nghiệp có lãi.
Việc sử dụng quỹ chỉ thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán
lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế xã hội, nghĩa
là khi DN đang lỗ.
Quỹ bình ổn sẽ tiếp tục được để tại DN, thông qua việc mở một
tài khoản được hạch toán riêng tại ngân hàng do DN có giao dịch, không đưa về
Kho bạc Nhà nước như Bộ Tài chính từng kiến nghị.
Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả xăng dầu đang lỗ, việc trích lập
Quỹ vẫn thực hiện là 300 đồng/lít.
Cùng với đó, trách nhiệm đảm bảo nguồn cung của các DN và
cây xăng bán lẻ được quy định rõ ràng hơn nhằm tránh hiện tượng cạnh tranh
không lành mành. Các doanh nghiệp đầu mối không được nhập khẩu thấp hơn hạn mức
được giao, phải nhập khẩu đảm bảo tiến độ theo quý hoặc kế hoạch được giao. Để
tránh đầu cơ găm hàng, Nghị định yêu cầu các cửa hàng bán lẻ sẽ chỉ được ngừng
bán sau khi được Sở Công Thương chấp thuận.
Theo Phạm Huyền