Nắng nóng bất thường thiêu đốt Mỹ, châu Âu, Trung Quốc
Nhiệt độ cực đoan đang trở thành điều bình thường mới. (Ảnh: Mint)
Mùa hè vừa bắt đầu ở Bắc bán cầu, nhưng một đợt sóng nhiệt khủng khiếp đang bao trùm nhiều khu vực của châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Mức nhiệt cao kỷ lục dự kiến xuất hiện cuối tuần này là lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
- 14-07-2023Một thành phố Trung Quốc có GDP/đầu người vượt xa Nga, thoát vỏ kén “làng chài” trở thành phiên bản khác của “Thung lũng Silicon”
- 14-07-2023Trung Quốc sở hữu 'cỗ máy chiến thần' khủng nhất thế giới: Không khác gì toà nhà khổng lồ, nâng tàu 3.000 tấn lên cao 113 m 'ngon ơ' trong 40 phút
- 13-07-2023Giải mã nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng, cơ hội vượt Mỹ ngày càng xa
Khuyến cáo về tình trạng nóng cực đoan đã được gửi đến hơn 100 triệu người Mỹ. Dịch vụ Khí tượng quốc gia dự báo mức nhiệt cực kỳ nóng ở các bang Arizona, California, Nevada và Texas.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan, cũng trải qua mức nhiệt tăng vọt.
Nhiệt độ lên đến 48 độ C trên các đảo Sicily và Sardinia. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết đây có thể là “mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận được ở châu Âu”.
Bắc Mỹ cũng đang vật vã với cái nóng, còn dịch vụ khí tượng Moroco ban bố cảnh báo đỏ về nhiệt độ cực đoan ở miền nam nước này.
Một số khu vực của Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, cũng hứng chịu nền nhiệt tăng vọt, trong khi một công ty điện lực chính của nước này báo cáo mức sản xuất điện cao kỷ lục theo ngày hôm 10/7.
Tháng trước đã là tháng 6 nóng kỷ lục trong lịch sử, cơ quan vũ trụ Mỹ Nasa và Cơ quan khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết.
Theo Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas, nhiệt độ cực đoan xuất phát từ biến đổi khí hậu “đang trở thành điều bình thường mới”.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 61.000 người thiệt mạng trong mùa hè nóng kỷ lục ở châu Âu năm 2022.
Một nhân tố khiến nhiệt độ năm 2023 tăng cao là hiện tượng El Nino.
El Nino thường xuất hiện với tần suất 2-7 năm, với biểu hiện là nhiệt độ nước biển bề mặt ấm hơn ở khu vực trung và đông Thái Bình dương, nơi gần xích đạo, và kéo dài từ 9-12 tháng.
Bắc Mỹ trải qua hàng loạt sự kiện khí tượng cực đoan trong mùa hè này, nhất là đợt cháy rừng nghiêm trọng ở Canada khiến không khí ô nhiễm lan sang Mỹ.
Vùng đông bắc Mỹ, nhất là bang Vermont, vừa hứng đợt mưa lớn khủng khiếp, gây lụt trên diện rộng.
Theo các nhà khoa học khí hậu, tình trạng ấm lên toàn cầu gây ra mưa lớn hơn và tần suất dày hơn.
Trong khi đó, người dân ở miền nam nước Mỹ vật vã với cái nóng dai dẳng suốt mấy tuần qua.
TS Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu công tác tại ĐH California, cho biết nhiệt độ ở Thung lũng Chết đã lên gần mức cao nhất từng đo được trên Trái đất.
Kỷ lục mà WMO đo được là 56,7 độ C ở Thung lũng Chết, thuộc sa mạc nam California. Đó là mức ghi nhận được năm 1913, còn mức nhiệt ở thung lũng này năm 2020-2021 là 54,4 độ C.
Tiền Phong