MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng tuổi nghỉ hưu không phải để lãnh đạo "giữ ghế hưởng bổng lộc"

17-10-2016 - 14:53 PM | Xã hội

“Tôi nghĩ có thể tăng tuổi lao động nhưng đối với lãnh đạo và quản lý thì nữ cũng nên đúng 55, nam 60 tuổi là thôi quản lý để làm chuyên gia. Chứ không phải là tiếp tục nâng tuổi lên rồi tiếp tục giữ cái ghế quản lý để mà hưởng nhiều bổng lộc".

Đây là quan điểm của ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến xung quanh dự kiến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam của Bộ LĐTB&XH.

Chính sách nào ra đời cũng có hai mặt

Mới đây Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân xác nhận đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lại được nêu ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động và dự kiến năm 2017 trình Quốc hội.

Theo đó, dự kiến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam. Lý do đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra là để tránh “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” và tình trạng già hóa dân số của Việt Nam.

Việc nâng tuổi nghỉ hưu đã được đề xuất rất nhiều trước đó nhưng đều phải bỏ do vấp phải phản ứng của xã hội, đặc biệt là nhóm lao động nặng nhọc. Gần đây nhất, Luật BHXH 2014 cũng tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 tuổi, nam lên 62 tuổi và định hướng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau nhưng cũng không được Quốc hội thông qua.

Trao đổi về phản ứng của dư luận về vấn đề này, ĐBQH khóa XIII Lê Như Tiến cho rằng, bất kỳ chính sách nào ra đời cũng có hai mặt. Nó có thể đáp ứng được với một nhóm người này nhưng lại không đáp ứng đầy đủ được lợi ích của nhóm người khác.

“Ví dụ như, dự thảo nâng tuổi nghỉ hưu thì đối với lao động trực tiếp, đối với nữ người ta chỉ muốn đến 55 tuổi là nghỉ, đối với nam là 60. Một số ngành như dệt may, kim khí, hóa chất, hầm mỏ… thì những người lao động trực tiếp họ rất mong muốn giữ nguyên, thậm chí họ còn mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn.

Nhưng còn một nhóm khác (nhóm này là chủ yếu) như phân tích của một số ĐBQH nhóm này là nhóm nhân viên văn phòng thường là thích tăng tuổi lên. Và nhóm này tôi thấy họ thích tăng tuổi lên là vì họ làm việc trong điều kiện môi trường lao động thuận lợi (trong phòng lạnh, điều kiện không khắc nghiệt lắm)” – ông Lê Như Tiến nói.

Nên dành cơ hội cho lớp trẻ

Ông Lê Như Tiến chia sẻ: “Tôi nghĩ có thể tăng tuổi lao động cũng được nhưng đối với lãnh đạo và quản lý thì nữ cũng nên đúng 55 là thôi quản lý để có thể làm chuyên môn, chuyên gia, đối với nam là 60 cũng nghỉ làm lãnh đạo để mà làm chuyên môn. Như thế là hài hòa, tức là tận dụng chất xám của người có năng lực (làm chuyên môn và chuyên gia) chứ không phải là tiếp tục nâng tuổi lên rồi tiếp tục giữ cái ghế quản lý để mà hưởng nhiều bổng lộc hoặc nhiều các chế độ chính sách khác”.

Ông Lê Như Tiến phân tích thêm, có thể anh là Cục trưởng, Vụ trưởng, Thứ trưởng hay thậm chí là Bộ trưởng đến tuổi 55 (hoặc 60) thì anh cũng phải nghỉ quản lý, sau đó anh có thể làm thêm. Điều này tương tự giống như anh hiệu trưởng hay trưởng khoa đến tuổi (55 đối với nữ, 60 đối với nam) thì cũng nên nghỉ quản lý, dành vị trí này cho người khác.

Sở dĩ đưa ra nhận định này theo ông Lê Như Tiến là vì “đến tuổi này không thể còn năng động sáng tạo được nữa”. “Cho nên anh có thể làm chuyên gia thì được, còn anh làm quản lý để mà sốc vác, để mà đường hướng, kiểm soát toàn bộ công việc thì cũng khó khăn” – ông Lê Như Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến khẳng định một lần nữa, giống như một số vị cũng đã nói “chúng tôi làm việc gần 30 năm đến 40 năm, rất là mệt mỏi, nên mong muốn được làm chế độ chuyên gia hoặc là chế độ cố vấn còn được. Theo tôi, đến tuổi ấy kể cả Cục trưởng, Cục phó, Vụ trưởng, Vụ phó, Thứ trưởng, thậm chí cả Bộ trưởng cũng nên nghỉ để dành vị trí ấy cho lớp trẻ lên quản lý”.

Ngoài ra, ông Lê Như Tiến nhận định: “Chúng tôi thấy cái này phải hài hòa giữa những người cao tuổi muốn ở lại với lại người trẻ, tạo điều kiện cho mấy trăm nghìn người lớp trẻ (kể cả trình độ tiến sĩ, thạc sĩ) mà không có công việc mà làm. Thế thì mình, tốt nhất là người có tuổi (cao tuổi) giống như bọn tôi đã nghỉ rồi nên nghĩ đến lớp trẻ và tạo điều kiện cho lớp trẻ nhiều hơn”.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên