Nạp tiền điện thoại phải cung cấp số CMND và ngày cấp có chặn được sim rác?
Nếu khi nạp tiền điện thoại mà phải cung cấp cả số CMND, ngày cấp thì quá phiền toái cho người sử dụng lẫn các nhà mạng.
- 04-06-2020Đề xuất nạp thẻ điện thoại phải nhập số chứng minh thư
- 01-06-2020Top 5 điện thoại đáng mua trong tầm giá dưới 5 triệu đồng
- 24-05-2020Lần hiếm hoi các mẫu điện thoại iPhone chính hãng được giảm giá đồng loạt
Tại Hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trả trước diễn ra ở Hà Nội ngày 4-6, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 2 kiến nghị để tăng tính chính xác của thông tin thuê bao, hạn chế tình trạng SIM rác.
Thứ nhất, thanh tra bộ đề xuất không cho phép chủ thuê bao tự kiểm tra thông tin thuê bao (thông qua nhắn tin 1414 và qua trang web).
Thứ hai, mỗi lần nạp thẻ vào tài khoản điện thoại, yêu cầu chủ thuê bao nhập số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp. Khi các thông tin này trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông, khách hàng mới nạp được tiền vào tài khoản.
Tình trạng sim rác nhiều năm qua cơ quan quản lý vẫn chưa xử lý dứt điểm được. Ảnh TL
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số người sử dụng dịch vụ của các nhà mạng ủng hộ đề xuất trên để xử lý triệt để tình trạng sim rác lâu nay gây nhiều phiền phức kể cả lừa đảo. Trong khi đa số người tiêu dùng cho rằng việc này quá bất tiện, vì trước đó khi đăng ký thuê bao người dùng đã phải khai đầy đủ thông tin cá nhân, kèm hình ảnh rồi. Ông Trần Hoàng Minh, ở quận 1, TP HCM, nói mới đây nhà mạng cũng đã bắt buộc khách hàng đến tận điểm giao dịch của họ để đăng ký lại thuê bao, cung cấp đầy đủ giấy tờ, chứng minh nhân dân và cả chụp hình.
"Giờ nạp tiền cũng phải trình CMND thì quá phiền toái, không phải ai lúc nào cũng mang theo giấy tờ, cũng như không thể nhớ số, ngày cấp chứng minh. Nếu có dịch vụ liên lạc nào khác, tôi sẽ bỏ luôn điện thoại kiểu này. Nhưng có quy định bắt buộc thì phải chấp hành thôi, vì đây dịch vụ thiết yếu không thể bỏ được" - ông Minh bày tỏ.
Theo chị Bùi Ái Liên, ở quận 2, TP HCM, hồi đăng ký lại thuê bao, chị đã cung cấp số CMND, nay đã chuyển sang căn cước thì làm sao nạp được tiền. "Nếu cung cấp số căn cước mới thì nhà mạng không chấp nhận, còn cung cấp số CMND cũ có được không? Chưa kể số CMND cũ cũng không còn nhớ chính xác" - chị Liên đặt vấn đề.
Một người tiêu dùng khác khi nghe đề xuất này thì tỏ ra bức xúc: "Bỏ bớt không bỏ giờ còn tăng thêm, mấy người lớn tuổi họ bấm có 12 đến 14 chữ số nạp thẻ mà còn sai tới sai lui rồi phải nhờ người khác bấm, rồi giờ đây đi mua cái thẻ nạp điện thoại cũng phải cầm thêm số CMND!"
Đại diện một nhà mạng bày tỏ quan điểm bộ cân nhắc cung cấp thông tin số CMND, căn cước và cả ngày cấp khi nạp thẻ điện thoại vì việc này sẽ gây khó khăn cho khách hàng, đặc biệt với người lớn tuổi, trẻ em chưa có giấy tờ tùy thân.
Trước đó, từ ngày 1-6, theo quy định mới, các nhà mạng đã chính thức ngừng bán bộ hòa mạng (hay còn gọi là KIT) tại các đại lý ủy quyền và dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đại lý. Việc ngưng bán sim tại các đại lý với mục đích siết chặt quản lý hoạt động phân phối bộ hòa mạng kích hoạt sẵn, sim rác trên thị trường, trước khi các nhà mạng đưa vào sử dụng nền tảng Mobile Money (tiền di động) vốn đòi hỏi thông tin thuê bao phải thật chính xác.
Theo đó, người tiêu dùng muốn mua sim mới sẽ phải đến trực tiếp các điểm cung cấp dịch vụ của chính nhà mạng thay vì các đại lý được ủy quyền.
Tuy vậy, khảo sát một số đại lý kinh doanh sim tại TP HCM sáng 5-6 cho thấy việc kinh doanh sim điện thoại vẫn diễn ra bình thường. Khách hàng muốn mua bao nhiêu sim cũng có, với điều kiện phải cung cấp CMND hoặc căn cước (không cần bản chính).
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện có hơn 125 triệu thuê bao di động đang được sử dụng. Theo đó, tỉ lệ sở hữu thuê bao di động trung bình đạt 1,3 tính trên đầu người, chưa kể trẻ em. Việc phát triển thuê bao di động tại Việt Nam gần như bão hòa.
Người lao động