MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NASA tiến gần hơn với kế hoạch đưa ISS rơi xuống biển

18-01-2024 - 07:50 AM | Tài chính quốc tế

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: USA Today

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: USA Today

Các nhà du hành vũ trụ từ nhiều quốc gia trên thế giới đã sống và làm việc tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong hai thập niên qua. Nhưng trạm vũ trụ này sẽ không tồn tại mãi mãi. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch để ISS rời khỏi quỹ đạo và hạ cánh an toàn xuống biển.

Tờ USA Today (Mỹ) ngày 17/1 đưa tin các công ty tư nhân có thời hạn đến ngày 12/2 để gửi đề xuất thiết kế cho một tàu vũ trụ mới hoặc được nâng cấp, sử dụng lượng lớn nhiên liệu đẩy. Tàu vũ trụ mới dự kiến đảm nhận nhiệm vụ trong cập bến ISS và đưa công trình này rơi xuống đại dương một cách an toàn.

NASA có kế hoạch trao hợp đồng vào tháng 6 tới về tàu vũ trụ mới. Phương tiện này sẽ được triển khai khi ISS “nghỉ hưu” vào năm 2030.

ISS được thiết kế và vận hành nhờ sự hợp tác toàn cầu của các cơ quan vũ trụ. Kể từ tháng 11/2000, ISS trở thành nơi làm việc của các phi hành gia. Theo NASA, hơn 260 phi hành gia từ 20 quốc gia đã đến ISS.

Các phi hành gia sống và tiến hành thí nghiệm khoa học trên ISS. Theo NASA, ISS có sáu chỗ ngủ, hai phòng tắm, phòng tập thể dục và cửa sổ quan sát 360 độ. Kể từ năm 1998, hơn 260 chuyến đi bộ ngoài không gian đã được thực hiện tại ISS.

Việc ngừng hoạt động ISS là trách nhiệm chung của năm cơ quan vũ trụ Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Tất cả các quốc gia này cam kết hỗ trợ hoạt động của ISS đến năm 2030, ngoại trừ Nga. Moskva đồng ý chỉ duy trì cho đến năm 2028.

NASA đã xem xét một số phương án để ngừng hoạt động ISS, bao gồm tháo rời nó khi đang ở trên quỹ đạo, đưa nó lên quỹ đạo cao hơn hoặc để nó mục nát tự nhiên trước khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất một cách ngẫu nhiên. NASA cho biết nhiều phương án mang lại thách thức tài chính và hậu cần đáng kể.

Theo NASA, các module và cấu trúc giàn của ISS không được thiết kế để dễ dàng tháo rời trong không gian, trong khi việc để công trình này quay lại bầu khí quyển Trái Đất không lên kế hoạch trước có thể mang nhiều rủi ro cho khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, các vật thể được đưa vào quỹ đạo "nghĩa địa" cao hơn thường là vệ tinh nhỏ chứ không phải công trình khổng lồ như ISS.

Đó là lý do khiến NASA quyết định rằng việc đưa ISS quay lại Trái Đất có kiểm soát và hạ cánh xuống một vùng biển xa xôi là phương án an toàn nhất. Bất kỳ công ty hàng không vũ trụ tư nhân nào được NASA lựa chọn sẽ chế tạo một tàu có khả năng thực hiện "cơ động đẩy" để sắp xếp đường đi cho ISS vào vùng biển không có người.

Nhiều module và phần cứng của ISS dự kiến sẽ bốc cháy, tan chảy khi quay trở lại khí quyển Trái Đất. Theo NASA, các thành phần dày hơn và chịu nhiệt còn sót lại có thể rơi xuống đại dương, và chìm xuống đáy một cách vô hại.

Theo Hà Linh

Báo Tin tức

Trở lên trên