Nền kinh tế Internet Việt Nam sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025
Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., ước tính đến năm 2025, nền kinh tế internet khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 300 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đạt 43 tỷ USD, xếp thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan.
- 17-09-2020Phó Cục trưởng Cục Điện lực: "Doanh nghiệp tư nhân đầu tư mà không cần bảo lãnh Chính phủ chính là điểm tích cực trong ngành điện Việt Nam"
- 16-09-2020Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm của EVN ở mức 'BB' với triển vọng tích cực
- 16-09-2020Những "ông lớn" đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam có gì đặc biệt?
- 16-09-2020Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ cấu thị trường khu vực ASEAN, đặc biệt thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số đối với chính phủ và nhiều doanh nghiệp trong khu vực.
Hiện nay, trong khu vực có hơn 400 triệu người dùng Internet, đây là cơ hội lớn đối với các nhà đầu tư. Các chuyên gia cũng đánh giá công nghệ sẽ đóng vai trò chủ chốt không chỉ trong việc cải thiện khả năng chống chịu với đại dịch, điển hình như Covid-19, mà còn tăng cường việc tiếp cận dịch vụ, công cụ và các giải pháp kỹ thuật số.
Điển hình về sự phát triển này đó là phương thức dạy học trực tuyến; khám, chữa bệnh từ xa. Đây được đánh giá là những lĩnh vực phát triển mạnh trong giai đoạn các nước đóng cửa nền kinh tế. Từ đó, nhu cầu đối với các nền tảng và dịch vụ truyền thông như Microsoft Teams, Zoom và Skype,... trong hỗ trợ làm việc từ xa hay các hội nghị trực tuyến đã tăng lên đáng kể.
Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục áp dụng hình thức làm việc từ xa. Trước đó, hình thức này không hề phổ biến tại khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, hiện nay, khi sự phụ thuộc vào mạng lưới kết nối nhằm hỗ trợ làm việc từ xa ngày càng tăng, đòi hỏi các nước thành viên ASEAN cần cải thiện cơ sở viễn thông hiện có, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.
Mạng 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi hình thức làm việc, do tiềm năng cung cấp tốc độ Internet nhanh hơn 50 lần so với mạng 4G. ASEAN dự kiến sẽ cần các khoản đầu tư từ 11 đến 18 tỷ USD để triển khai mạng 5G trong khu vực, với mục tiêu đạt khoảng 200 triệu người dùng vào năm 2025.
Hiện nay, Singapore đang dẫn đầu trong việc phát triển 5G tại khu vực Đông Nam Á, dự kiến đến năm 2025 sẽ phổ biến mạng 5G trên toàn quốc. Theo sau đó là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Indonesia cũng có tiềm năng trong việc phát triển mạng 5G. Tuy nhiên, quốc gia này hiện vẫn chưa có lộ trình rõ ràng về việc phân bổ mạng 5G, do đó làm chậm quá trình phát triển và mở rộng trị giá 10 tỷ USD của ngành viễn thông nước này.
Chăm sóc sức khỏe từ xa (Telemedicine) và Giáo dục trực tuyến hứa hẹn sẽ 'nở rộ' trong tương lai
Việc kết hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào chăm sóc sức khỏe cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành. Ví dụ: việc sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe có thể thay đổi phương thức lưu trữ hồ sơ, thu thập và chia sẻ dữ liệu của bệnh nhân tại các bệnh viện.
Các dịch vụ Telehealth sẽ phổ biến hơn nữa trong khu vực giai đoạn hậu Covid-19. Doctor Anywhere, công ty Telehealth có trụ sở tại Singapore đã huy động được 27 triệu USD đầu tư trong việc mở rộng kinh doanh. Tương tự, ứng dụng chăm sóc sức khỏe Alodokter (Indonesia) đã ghi nhận hơn 30 triệu người dùng hồi tháng 3/2020 (cao hơn 1,5 lần so với số người dùng trong giai đoạn trước Covid-19).
Trong tương lai, Singapore sẽ tiếp tục là điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp startup lĩnh vực công nghệ y tế nhờ vào khuôn khổ pháp lý và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Đối với Indonesia, đây sẽ là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư do thị trường tiêu dùng rộng lớn.
Ngoài ra, lĩnh vực giáo dục khu vực ASEAN ngày càng phát triển để đảm bảo học sinh, sinh viên đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là kỹ năng chuyên môn và khả năng ngoại ngữ.
Giai đoạn 2016-2020, với mục đích phát triển trong lĩnh vực giáo dục khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên đang dần cải thiện khả năng tiếp cận và áp dụng nhiều sáng kiến kỹ thuật số. Đây cũng là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà cung cấp công nghệ giáo dục mới.
Nền kinh tế Internet: Bứt tốc mạnh mẽ
Đại dịch đã làm thay đổi hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các chuyên gia nhận định rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại sau đại dịch. Mặc dù việc mua hàng hiện nay tập trung chủ yếu vào các nhu cầu cơ bản, nhưng ngày càng có nhiều giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng thương mại kỹ thuật số.
Tỷ lệ truy cập trên các nền tảng thương mại điện tử đã tăng vọt trong giai đoạn đại dịch. Trước đây, thương mại điện tử được nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất khu vực ASEAN coi là một "lựa chọn" thay vì một sáng kiến kinh doanh "thiết yếu".
Chỉ riêng ở Thái Lan, lượt tải hàng tuần đối với các ứng dụng mua sắm phổ biến nhất trong khu vực như Shopee hay Lazada đã tăng hơn 60% trong giai đoạn quốc gia này áp dụng giãn cách xã hội.
Lượt truy cập trên các ứng dụng mua sắm điện tử như Shopee, Lazada, Tokopedia và ShopBack,... tại Việt Nam, Indonesia và Singapore cũng tăng hơn 10% trong giai đoạn này.
Trong một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain & Co. thực hiện, nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á được định giá 100 tỷ USD trong năm 2019. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 300 tỷ USD.
Nền kinh tế internet của Indonesia - thị trường lớn nhất trong ASEAN dự kiến sẽ đạt gần 130 tỷ USD vào năm 2025. Theo sau đó là Thái Lan và Việt Nam, với ước tính lần lượt là 50 tỷ USD và 43 tỷ USD.
Trí Thức Trẻ