Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới liêu xiêu
Tàu dừng chạy. Các chuyến bay không thể cất cánh. Đường cao tốc bị những nông dân tức giận chặn lại.
- 11-02-20248 kho đạn trúng hỏa lực, 488 UAV rơi
- 11-02-2024CIA sử dụng động vật cho các chiến dịch do thám tuyệt mật như thế nào?
- 11-02-2024Bẻ khóa xe Hyundai & KIA bằng USB: Thử thách độc hại trên TikTok châm ngòi làn sóng trộm xe khắp nước Mỹ, “thổi bay” hơn 5 tỷ USD giá trị hai hãng xe Hàn Quốc
Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới có một khởi đầu gập ghềnh trong năm nay. Cuộc đình công của các nhân viên mặt đất hãng hàng không Lufthansa hôm 7/2 là hành động mới nhất gây ra tình trạng hỗn loạn giao thông trong những tuần gần đây, sau khi các nhân viên lái tàu nghỉ việc vào tháng 1 để phản đối chế độ tiền lương và nông dân chặn đường để phản đối kế hoạch cắt giảm trợ cấp.
Các cuộc đình công rộng khắp ở quốc gia nổi tiếng với sự bảo đảm mạnh mẽ lợi ích của người lao động cho thấy bất ổn đang bao trùm nước Đức .
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Và triển vọng cũng không sáng sủa hơn nhiều: Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm nhất trong năm 2024, chỉ đạt mức tăng trưởng 0,5%.
Một số chuyên gia đưa ra dự báo bi quan hơn, cho rằng GDP Đức sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp, khi nền kinh tế phải vật lộn với thời kỳ giá nhiên liệu cao suốt thời gian dài, chi phí vay cao và nhu cầu đối với hàng hóa Đức yếu ở cả trong và ngoài nước.
Tác động kéo dài của khủng hoảng năng lượng do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine thể hiện rõ trong số liệu công bố ngày 7/2, cho thấy sản xuất công nghiệp của Đức trong tháng 12 vừa qua đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp, mức sụt giảm kéo dài nhất từ trước đến nay.
Đức còn phải đối mặt với những vấn đề mang tính cơ cấu, từ tình trạng thiếu lao động và quan liêu đến cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số lỗi thời ảnh hưởng đến năng suất.
Một ví dụ là chỉ có 19% hộ gia đình ở Đức được kết nối Internet cáp quang, trong khi mức trung bình của châu Âu là 56%, theo báo cáo gần đây của Ủy ban châu Âu.
Theo các nhà kinh tế, điều mà Đức cần là một cuộc đại tu kinh tế.
“Đức cần sự chuyển đổi kinh tế cơ bản. Thách thức lớn nhất đối với Đức không phải 2 mà là 10 năm tới… Họ cần định hình lại ngành công nghiệp của mình”, ông Marcel Fratzcher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức tại Berlin, nói với CNN .
Chính phủ Đức đã có những bước đi thăm dò theo hướng đó, với việc chuyển sang khuyến khích đầu tư, tăng cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng và nới lỏng quy định nhập cư cho công nhân lành nghề để giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Các chuyên gia cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa nền kinh tế vào một lộ trình mới. Tuy nhiên, các chính trị gia có quyền lực hạn chế, đặc biệt là những hạn chế chặt chẽ về vay chính phủ, khiến việc triển khai những chương trình lớn bị cản trở.
Tiền Phong