"Nền kinh tế nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, khó tránh phải nhập khẩu cả lạm phát"
Ảnh minh họa.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu có sự kết hợp nhịp nhàng giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ thì vẫn có thể kiểm soát lạm phát trong khuôn khổ cho phép, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô và tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2022.
- 31-05-2022Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng: 'Chim sẻ nhiều hơn đại bàng'
- 31-05-2022Tiềm năng khoáng sản tỉnh này đến đâu mà được nhà đầu tư rót vốn tỷ USD vào nhà máy sản xuất thép?
- 31-05-2022Không phải Hà Nội hay Hải Phòng, đây mới là thành phố liên tục lọt top 5 địa phương điều hành kinh tế tốt nhất
Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái "bình thường mới", lạm phát được kiểm soát, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm, nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai để lành mạnh hóa thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…
Tuy nhiên, giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng, sản xuất từ Trung Quốc; thị trường chứng khoán biến động mạnh. Đây là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp.
Trao đổi bên lề Quốc hội dự báo về tình hình phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nhận định, trong những tháng đầu năm, dù dịch Covid-19 vừa mới được kiềm chế, nhưng với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ cùng các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, hàng loạt các chương trình phục hồi kinh tế được thực hiện đã giúp nền kinh tế dần phục hồi. Trong đó GDP 4 tháng đầu năm vẫn tăng 5,03%. Về xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao, hàng chục ngàn doanh nghiệp được hình thành mới, hàng chục ngàn doanh nghiệp từng ngưng trệ do dịch bệnh nay đã quay lại thị trường. Đại biểu cho rằng, đây là những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Song dự báo từ nay đến cuối năm, kinh tế trong nước cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ.
"GDP của chúng ta tăng trưởng, thu ngân sách tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng nguồn thu lại chủ yếu từ bán dầu thô, những tháng đầu năm, giá dầu tăng cao nên nguồn thu cũng năng, thu nhân sách từ bán tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân. Trong khi cách phục hồi nền kinh tế tốt nhất là tăng thu từ sự đóng góp của doanh nghiệp, đây mới là nguồn thu ổn định. Đây cũng là thách thức trong thời gian tới, cần làm sao để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp phục hồi. Doanh nghiệp phục hồi cũng sẽ giải quyết được bài toán căn cơ về việc làm của người lao động", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đặc biệt quan tâm đến việc hiện nay giá nông sản tại nhiều địa phương đang rất thấp so với mặt bằng thị trường bên ngoài. Hàng nông sản gặp khó khăn khiến đời sống người nông dân bất ổn. Để phục hồi nền kinh tế, đại biểu nhấn mạnh, cần quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có việc ổn định giá nông sản, vật tư nông nghiệp, cân bằng giữa đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, từ đó ổn định đời sống người dân.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trong thời gian tới, Chính phủ cũng cần quan tâm đến kìm chế lạm phát, nguy cơ vỡ nợ tín dụng, nợ xấu của doanh nghiệp sau khi nền kinh tế dần phục hồi. Một số gói hỗ trợ kinh tế hiện còn chậm, thủ tục giải ngân phức tạp, khiến đối tượng thụ hưởng khó nhận được tiền, đơn cử như gói hỗ trợ thuê nhà ở cho người lao động hay chính sách hỗ trợ đội ngũ y tế khi phòng chống dịch... "Tiền đã có, nhưng để xuống đến tay người thụ hưởng vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ", đại biểu nêu rõ.
Cùng nói về bức tranh kinh tế từ nay đến cuối năm 2022, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội nhận định, những tháng đầu năm 2022, kinh tế trong nước vẫn chịu tác động của làn sóng Omicron khá mạnh, song GDP vẫn tăng trưởng khá, số lượng các doanh nghiệp quay lại thị trường tăng rất nhanh so với những năm trước. Điều này cho thấy sức phục hồi kinh tế khá tốt.
Đánh giá lạm phát là xu hướng chung của thế giới, một số nước chỉ số lạm phát tăng tương đối cao, Việt Nam là một nền kinh tế mở, việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cũng đồng nghĩa với phải chấp nhận “nhập khẩu lạm phát”. Chỉ số lạm phát trong 4 tháng đầu năm khoảng 2,3%, con số này được đại biểu Hoàng Văn Cường cho là không quá cao so với những năm trước và vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới.
“Điều này giúp chúng ta có thể tin tưởng rằng lạm phát đang được kìm chế khá tốt. Đặc biệt thời gian qua chúng ta đã thực hiện các chính nhằm ngăn chặn giá xăng dầu tăng như giảm thuế môi trường với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng. Đây là một trong những yếu tố giúp kiểm soát mặt bằng giá chung”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, đại biểu tin tưởng rằng, nếu có sự kết hợp nhịp nhàng giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ thì vẫn có thể kiểm soát lạm phát trong khuôn khổ cho phép, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng có thể đạt được như mục tiêu đề ra.
VOV