MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh tốt

Nhiều tổ chức điều tra, nghiên cứu kinh tế thế giới đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau.

Nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh tốt - VTV.VN

Các điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và có mức tăng trưởng tích cực so với các nền kinh tế khác.

Tờ Investing dẫn dự báo tích cực của ngân hàng HSBC về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và nhận định của chuyên gia cho rằng, sự phục hồi trở lại do nhu cầu toàn cầu được cải thiện góp phần thúc đẩy xuất khẩu, cùng với sự gia tăng chi tiêu trong nước, đồng thời nhấn mạnh tổng doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trưởng đáng kể 9,7%.

"Ngay cả khi xuất khẩu toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn giành được thị phần, điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh tốt. Chúng ta vẫn thấy đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam và mở rộng năng lực xuất khẩu. Điều đó cho phép Việt Nam phục hồi nhanh hơn các nền kinh tế khác trong khu vực", ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng Khối nghiên cứu kinh tế châu Á, ngân hàng HSBC, đánh giá.

Nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh tốt - Ảnh 1.

Sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Tân Hoa xã của Trung Quốc trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) khi tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, sử dụng cả công cụ tài chính và tiền tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi suy thoái.

Tờ Thestar của Malaysia đề cập báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, trong đó nhận định nhu cầu trong nước dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm nay.

"Các công ty chế biến, sản xuất của Việt Nam đang dần trở thành trung tâm của nền kinh tế. Đối với lĩnh vực dịch vụ hiện đang tập trung ở các thành phố lớn, theo tôi, Việt Nam cần chú ý hướng phát triển tại các địa phương trong thời gian tới. Ngoài ra dịch vụ đầu tư, dịch vụ y tế cùng với lĩnh vực sản xuất sẽ là mũi nhọn kinh tế của Việt Nam", GS. Ryo Ikebe, Đại học Senshu, Nhật Bản, nhận định.

Tờ Fibre2fashion cho biết, chỉ số niềm tin kinh doanh hàng quý của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tăng lên 45,1 trong quý III năm nay, từ mức 43,5 trong quý II. Tờ báo này nhận định, sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, khi 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của họ.

Theo Quang Hưng

VTV

Trở lên trên