Nên làm gì để phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số tại Việt Nam khi đẩy mạnh chuyển đổi số?
Ảnh minh hoạ
Theo ông David Lang, chuyên gia chuyển đổi số của YellowBlocks, người đã tư vấn cho các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như AT&T, Toyota, Sony thì trọng tâm của chiến lược chuyển đổi số không nằm ở công nghệ, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy và văn hoá.
- 17-02-2021Triết lý ngược của chuyển đổi số: Không phải cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh sẽ nuốt cá chậm
- 13-02-2021Những con số ấn tượng về chuyển đổi số Việt Nam năm 2020
- 16-12-2020Dự kiến quý I/2021 sẽ ra quy định về chuyển đổi số của ngân hàng
Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công thì công nghệ cần có sự kết nối của con người. Khảo sát của Red Hat về Nghiên cứu Xu hướng & Ưu tiên Công nghệ thông tin toàn cầu cho thấy yếu tố cản trở lớn nhất đối với chuyển đổi số là con người. Tại Việt Nam, theo một kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới gần một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng thách thức về sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ thuật số sẽ cản trở quá trình chuyển đổi số, là thách thức đứng thứ hai sau thức thức về an ninh mạng. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, trong đó năng suất lao động tăng bình quân 7% và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo, Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ thuật số đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.
Phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số
Dưới góc độ vĩ mô, phát triển nguồn nhân lực là bất kỳ quá trình hay hoạt động nào, hoặc ngắn hạn hoặc dài hạn, có tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển kiến thức nơi làm việc, chuyên môn, năng suất và sự hài lòng của một cá nhân hay một nhóm người, hay là vì lợi ích của một tổ chức, cộng đồng, quốc gia, nhân loại.
Ở khía cạnh cụ thể, phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số được hiểu là quá trình thay đổi về số lượng, cơ cấu, chất lượng của bộ phận nhân lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác của các hoạt động kinh tế, thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ mới, có tác phong kỷ luật trong công việc và khả năng tư duy đột phá trong công việc.
Phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế, các quốc gia điển hình trong công tác triển khai chuyển đổi số như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Úc, Mexico, Singapore… đã có những cách thực hiện khác nhau. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số là một trong các yếu tố then chốt được các quốc gia này quan tâm trong suốt quá trình chuyển đổi số. Theo ông David Lang, chuyên gia chuyển đổi số của YellowBlocks, người đã từng tư vấn cho các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như AT&T, Toyota, Sony thì trọng tâm của chiến lược chuyển đổi số không nằm ở công nghệ, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy và văn hoá.
Điều kiện phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Hiện nay, những lợi thế nổi bật của Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số là có sự quan tâm của Nhà nước, lực lượng lao động dồi dào và trẻ, thành tích học tập tốt, khả năng tiếp cận với thiết bị công nghệ, internet dễ dàng.
Chuyển đổi số là vấn đề đang được Chính phủ quan tâm, thể hiện rõ trong hàng loạt các chính sách, quy hoạch tổng thể và các văn bản chỉ thị. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số là một trong các định hướng quan trọng được đề ra. Trước đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 với nhiều nội dung liên quan đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, nguồn nhân lực Việt Nam phát triển về quy mô lẫn số lượng. Về quy mô, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra, lực lượng lao động vẫn tăng 0,74% so với năm 2015. Về chất lượng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore.
Là quốc gia trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 68%, thành tích học tập của học sinh – sinh viên Việt Nam được đánh giá cao trong nước và trên thế giới.
Về nền tảng công nghệ, Việt Nam là một trong 20 quốc gia sử dụng Internet cao nhất thế giới, với tỷ lệ người sử dụng đạt khoảng trên dưới 70%, trong khi đó trung bình thế giới là hơn 51%. Số lượng người dùng Internet mới tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực và cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 36%. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam chiến hơn 45% dân số và xếp hạng thứ 15 các thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Số lượng thuê bao 3G – 4G chiếm 53% người dùng điện thoại thông minh.
Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế thì còn nhiều khó khăn thách thức. Đầu tiên là nguồn nhân lực có kỹ thuật số tại Việt Nam hiện nay hạn chế về chất lẫn lượng. Theo đúng lộ trình đào tạo, Việt nam có 1,1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo thống kê hiện Việt Nam đang thiếu ít nhất 400.000 nhân sự thiếu hụt cho quá trình chuyển đổi số hiện nay. Kết quả báo cáo của Vinasa đã chỉ ra các chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin hiện nay được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Số liệu từ khảo sát gần đây của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho thấy 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, riêng đối với lĩnh vực lập trình máy tính thì tỷ lệ này là 80%; 42% sinh viên thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm.
Về năng suất lao động, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù năng suất lao động tăng trưởng trong giai đoạn 2011 – 2019 nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Điều này tương đồng với nội dung nêu tại Chỉ thị 07/CT-TTg của Chính phủ. Theo đó, mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp là năng lực người lao động (kiến thức, kỹ năng lao động) còn thấp, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh hạn chế.
Về thách thức việc làm, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tỉ lệ cao người lao động làm việc trong ngành có rủi ro bị thay thế cao như lĩnh vực may mặc, nông nghiệp và bán lẻ. Trong khi ngành công nghiệp của Việt Nam đang được đánh giá là có tiến trình số hóa nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính thì ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp. Trong bối cảnh chịu sự tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa trong mười năm tới.
Việt Nam nên làm gì để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số?
Thứ nhất là tập trung vào công tác đào tạo. Dù việc chuyển đổi số diễn ra tự phát hay do sự hoạch định bởi chiến lược và ý chí của chính phủ thì công tác đào tạo luôn được chú trọng nhằm đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, theo đó một số giải pháp gồm:
Thứ nhất, thay đổi cách thức quản lý giáo dục, phương pháp dạy học gắn liền với số hóa, phù hợp với định hướng ứng dụng và đòi hỏi của thị trường lao động; cập nhật chương trình giảng dạy học sinh – sinh viên theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, phổ cập số theo hướng đảm bảo cơ hội tiếp cận kỹ thuật số từ lúc trẻ tuổi.
Thứ hai, triển khai đào tạo chuyên sâu các môn học chủ đề STEM, trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng nền tảng cho việc phát triển kiến thức về Công nghệ thông tin, đẩy mạnh đào tạo các chuyên ngành về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, phối hợp các kiến thức số vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế tạo.
Thứ ba, đào tạo nâng cao, đào tạo lại theo hướng đào tạo chuyên gia và các chuyên gia này sẽ đào tạo lại cho người lao động khác.
Thứ hai là đẩy mạnh văn hóa học tập suốt đời trong từng đơn vị, tổ chức và cộng đồng. Xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ mỗi công dân, mỗi người lao động được đào tạo lại và đào tạo nâng cao trong suốt cuộc đời: Lan tỏa động lực trong việc học tập, nhất là những người trong độ tuổi trưởng thành, người lao động làm việc trong các ngành nghề có rủi rot hay thế; triển khai khóa đào tạo và hỗ trợ trong các giai đoạn tuổi chuyển giao và tìm kiếm việc làm. Đồng thời, cần đề cao tinh thần tự học, tự phát triển của cá nhân để hướng đến mô hình "công dân học tập 4.0" với đầy đủ các kỹ năng: kỹ năng công dân toàn cầu, kỹ năng đổi mới sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng tương tác.
Thứ ba là thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có kỹ thuật số. Xây dựng chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực có kỹ thuật số, nhất là các chuyên gia công nghệ thông tin, không chỉ là tiền lương mà còn các chế độ đãi ngộ khác ngoài lương. Phương thức trả lương cho người lao động có trình độ cao về kỹ thuật số cần trên nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa chi phí tiền lương của doanh nghiệp và năng suất lao động mà người lao động tạo ra, giúp người lao động phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.