MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên phân nhóm để siết đảo nợ

22-09-2016 - 10:45 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN vừa ban hành Công văn 6960/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài dừng thực hiện việc cho vay mới để trả nợ trước hạn, hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn tại TCTD. Quy định này sẽ hỗ trợ NHTM kiểm soát rủi ro, minh bạch và sát thực hơn về chất lượng tín dụng, nhưng cũng sẽ có tác động đến nhu cầu vay vốn ngắn hạn của doanh nghiệp (DN).

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Siết lại việc đảo nợ, né nợ xấu

Liên quan đến quy định của NHNN tại Công văn 6960, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-NH, nhận định cho vay mới để trả nợ trước là hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường. Khi một cá nhân hoặc DN có một khoản nợ có lãi suất cao hoặc điều kiện khắt khe, họ có thể đàm phán với một NH khác để vay vốn trả nợ cũ với lãi suất thấp hơn và điều kiện thuận lợi hơn. Trong một hệ thống NH lành mạnh, khi cho vay các khách hàng này, NH mới thường xét về khả năng hoàn trả và xem xét nợ hiện hữu của khách hàng với NH đang cho vay.

Nếu NHNN siết chỗ này phải nới van chỗ khác để không bị tắc nghẽn tín dụng, vì vậy cũng nên có phân nhóm một số khách hàng để áp dụng. Đồng thời, đối với việc cho vay tuần hoàn, về cơ bản NHNN không nên can thiệp tương đối sâu.

TS. Cấn Văn Lực

Thông thường các NH đều cảnh giác và không tạo điều kiện vào việc đảo nợ với mục đích tiêu cực, tức là dùng nợ mới để thay thế nợ xấu. Tuy nhiên, trong ngành tài chính Việt Nam, chắc chắn đã có xảy ra những vấn đề tiêu cực, những DN có nợ xấu lợi dụng vay mới để trả nợ trước hạn nhằm tránh rơi vào nợ xấu, đồng thời các NH cũng sử dụng những hình thức cho vay này để xóa nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Việc siết lại hình thức cho vay này cho thấy NHNN lo ngại rủi ro và chưa có đủ độ tin cậy với NHTM, bởi trong một hệ thống NH lành mạnh, NHNN luôn tin tưởng vào sự phán đoán của các NH khi cho vay để đảo nợ.

Song song đó, cho vay tuần hoàn cũng là một thông lệ quốc tế. Ở nước ngoài, các NH xét cho vay tuần hoàn cho một DN sẽ định ra hạn mức tín dụng được sử dụng nhiều lần. Để định một hạn mức tín dụng được sử dụng nhiều lần, NH phải xem xét chu kỳ sản xuất của DN từ lúc vay tiền NH, đến lúc mua nguyên vật liệu, thời gian hàng tồn kho, bán hàng, thời gian khách hàng trả chậm và dòng tiền quay trở lại. Thí dụ, sau khi xem xét NH lập một hạn mức cho DN là 5 triệu USD, trong hạn mức đó DN có thể vay 200.000USD, 300.000USD hoặc 500.000USD, nhưng mỗi lần vay phải trả theo chu kỳ sản xuất. Nếu chu kỳ sản xuất là 90 ngày, DN vay 500.000USD trả đúng thời hạn sẽ tiếp tục được sử dụng hạn mức 5 triệu USD.

Khi xét duyệt khả năng của khách hàng để thiết lập hạn mức tín dụng, NH phải biết rõ khách hàng có thể gặp vấn đề thanh khoản hoặc khó khăn hay không, và khách hàng phải có tài sản để đảm bảo hạn mức tín dụng đó an toàn. Tuy nhiên, một rủi ro của hình thức cho vay này là nếu khách hàng không có tiền để trả món nợ 500.000USD đúng thời hạn, họ có thể vay thêm một món khác trong hạn mức này để trả 500.000USD đã mượn và dẫn đến khả năng đảo nợ. “Tại Việt Nam, nếu vì lo sợ DN có khả năng đảo nợ và không minh bạch trong vấn đề vay vốn mà bỏ hình thức tín dụng này sẽ làm mất đi một loại tín dụng rất phổ biến theo thông lệ quốc tế” – TS. Hiếu cho biết.

Không quá khắt khe cho vay tuần hoàn

Trước khi ban hành Công văn 6960, vào tháng 9-2014, NHNN đã ban hành Công văn 7059 dừng cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn, yêu cầu TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng, không được tái tục toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay; các trường hợp đã cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn phải thỏa thuận với khách hàng điều chỉnh hợp đồng tín dụng.

Sau khi quy định này ban hành, nhóm công tác NH thuộc Liên minh Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã có một số kiến nghị với NHNN. Cụ thể, việc không cho phép cho vay tuần hoàn là mâu thuẫn với thông lệ quốc tế về cho vay, đặc biệt khi cho vay với mục đích tài trợ vốn lưu động thay đổi liên tục trong năm. Một phần lớn các khoản tín dụng tại TCTD nước ngoài, chi nhánh NH nước ngoài cho khách hàng là các khoản vay ngắn hạn nhằm mục đích tài trợ vốn lưu động. Thông thường kỳ hạn của mỗi khoản vay là vài tháng phù hợp với dòng tiền của một chu kỳ sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thực ra việc tái tục, quay vòng khoản vay được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới và được cả NH và DN mong muốn. Hình thức vay vốn này giúp DN có lợi vì sử dụng vòng quay vốn ngắn một vài tháng, góp phần giảm đáng kể chi phí vốn vay cho DN. Đồng thời, các DN có lịch sử tín dụng tốt thường có quan hệ tín dụng với nhiều NH và việc áp dụng các kỳ hạn vay ngắn hạn cho mỗi khoản vay tạo thuận lợi cho DN lựa chọn được NH cho vay có lãi suất tốt nhất tại từng thời điểm.

Ảnh minh họa: L.THANH
Ảnh minh họa: L.THANH

Trong khi đó, NH đảm bảo đánh giá được tốt nhất rủi ro tín dụng cũng như dòng tiền và khả năng hoàn trả của khách hàng cho mỗi kỳ hạn để quyết định có cho tái tục, quay vòng hay không. Việc tái tục, quay vòng khoản vay không phải do việc suy giảm khả năng tài chính hay chất lượng tín dụng của khách hàng mà xuất phát từ yêu cầu thực tế hoạt động của DN. Do đó, hoạt động này không làm tăng rủi ro tín dụng vì các NH sẽ phê duyệt kỳ hạn khoản vay dài hơn rất nhiều so với kỳ hạn rút vốn vay thực tế. Tuy nhiên, Công văn 6960 vừa ban hành cho thấy NHNN đang quyết liệt siết lại hình thức tín dụng này.

DN vay ngắn hạn khó tiếp cận

Trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng cho vay tuần hoàn là một hình thức cho vay tiện lợi cho DN. Với hình thức này, NH và DN không cần phải xem xét lại thủ tục vay vốn từ đầu. Quy định này của NHNN cũng không mâu thuẫn với thông lệ quốc tế, vì đây là quyết định của NH trung ương ở mỗi thời điểm khác nhau, có quốc gia cũng hạn chế ở những thời điểm nhất định.

Tuy nhiên, cho vay tuần hoàn cơ bản là ngắn hạn nên quy định này sẽ có ảnh hưởng phần nào đối với cho vay ngắn hạn, đặc biệt là cho vay DN sản xuất kinh doanh vì đây là đối tượng có nhu cầu vay vốn tuần hoàn. Một nhóm DN nữa chịu ảnh hưởng là những DN có liên quan đến mua thiết bị máy móc, nguyên vật liệu định kỳ hàng tháng. Do đó, quy định này có mặt tích cực là sẽ hỗ trợ cho các NHTM kiểm soát rủi ro, tuy nhiên cũng sẽ khiến việc tiếp cận tín dụng của DN khó khăn hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng dòng tiền chảy ra nền kinh tế, làm chậm vòng quay dòng vốn do mỗi lần muốn vay một khoản tiền, DN phải mất thời gian đến NH để xin vay mới, trong khi áp dụng hạn mức là cách sử dụng vốn nhanh và hiệu quả, kích thích tăng trưởng kinh tế qua việc quay vòng vốn nhanh.

Hiện các DN trong nước kỳ vọng NHNN sẽ xem xét cho phép phân loại DN, các DN có lịch sử tín dụng tốt tiếp tục được vay mới trả nợ trước hạn hoặc vay tuần hoàn để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Trên thế giới, khi các NH xét duyệt hạn mức tín dụng xem xét theo lịch sử trả nợ, tính thanh khoản, lợi nhuận và tài sản của DN, hạn mức tín dụng chỉ áp dụng cho những DN có sức khỏe tài chính tốt.

Theo Yên Lam

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên