MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên rút thời hạn đóng bảo hiểm xã hội còn 10-15 năm?

Nên rút thời hạn đóng bảo hiểm xã hội còn 10-15 năm?

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm là quy định tiến bộ để lao động có thể tiếp cận với lương hưu và các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tính toán cẩn trọng về mức hưởng, tránh tình trạng lao động chê lương hưu thấp, sớm rút sạch BHXH một lần.

Rút một lần do khó khăn

Anh Nguyễn Quang Tú (38 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, anh làm công nhân hơn 10 năm và còn khoảng ít nhất 10 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 vừa qua, do công ty không có việc nên công nhân phải nghỉ làm, anh phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

Theo anh Tú, không những anh mà rất nhiều lao động trong công ty đều làm như vậy. Bởi theo anh, thời gian đóng 20 năm là quá lâu, người lao động không chờ được.

Chị Lê Thị Hoa (35 tuổi), công nhân may cho rằng, lao động nữ đến 60 tuổi mới được nghỉ, như chị phải còn 25 năm nữa mới về hưu. Trong khi ngành may, lao động nữ ngoài 40 tuổi, công ty đã tìm cách cho nghỉ việc. “Nếu không cho lao động rút một lần để lấy vốn, chúng tôi không biết sống bằng gì”, chị Hoa nói.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần tăng một phần do dịch COVID-19 khiến lao động gặp khó, một phần đến từ tâm lý lo cho cuộc sống trước mắt thay vì nghĩ về lâu dài. Cũng có nhiều người quan niệm già sẽ trông cậy con cháu, họ chưa hình thành thói quen tích góp từ lúc còn đi làm để chủ động tài chính khi về già. Thực tế, người hưởng BHXH một lần tập trung vào nhóm lao động trước 30 tuổi, của nữ cao hơn nam.

Nên rút thời hạn đóng bảo hiểm xã hội còn 10-15 năm? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh thời gian đóng hợp lý nhưng cần chú ý mức hưởng để khuyến khích người dân tham gia BHXH Ảnh: Dương Hưng

“Việc người lao động nhận BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại. Nhận một lần khi về già họ sẽ không có lương hưu, bảo hiểm y tế phải tự mua và phải phụ thuộc con cháu, xã hội, ảnh hưởng tới chính sách BHXH toàn dân. Thực tế cho thấy, lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho lao động khi tới tuổi nghỉ hưu. Chưa kể, lương hưu còn được điều chỉnh tăng theo từng giai đoạn để bù trượt giá, đảm bảo cuộc sống cho người nhận lương hưu”, ông Thọ nói.

Ông Thọ khuyến nghị người lao động cần cân nhắc lợi ích lâu dài khi rút BHXH một lần. Lao động có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH để tiếp tục khi có công việc khác, hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện.

20 năm là quá dài?

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến năm 2020, Việt Nam mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (mục tiêu đặt ra là 50%) vẫn còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động nằm ngoài hệ thống BHXH.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, quy định này quá chặt chẽ và 20 năm quá dài khiến nhiều lao động không thể tích lũy số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH.

Theo thống kê của bộ này, trong 5 năm thực hiện Luật BHXH, tình trạng lao động rút BHXH một lần ở Việt Nam luôn ở mức cao và gia tăng theo từng năm cũng như chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến hết năm 2020, tổng số người hưởng BHXH một lần là trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750 nghìn người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH. Còn trong 3 tháng đầu năm 2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

“Đại diện rất nhiều địa phương phản ánh, công tác phát triển đối tượng gặp nhiều hạn chế, do số phần đóng góp của người tham gia mới không đủ bù đắp cho phần chi cho những người hưởng chế độ BHXH một lần”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Từ thực trạng này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới còn 10 năm. Ngoài ra, bộ này còn đề nghị điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng siết chặt hơn, chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, nếu thay đổi theo phương án này sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. Người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, hướng tới tuổi già có lương hưu.

Tính toán mức hưởng phù hợp

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đề xuất trên thực chất là xử lý tình huống đối với những lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH, còn mục tiêu chính của chính sách BHXH vẫn phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.

Theo ông Huân, trước năm 2014 với thời gian đóng BHXH đủ 15 năm, người lao động sẽ được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, sau đó tăng lên mỗi năm 2% với nam và 3% với nữ. Tuy nhiên, với công thức tính lương hưu như vậy, mức hưởng vẫn cao hơn so với mức đóng. Do đó, để cân bằng lại, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được sửa đổi tăng dần lên 20 năm mới được hưởng 45%.

“Khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm, mức hưởng sẽ giảm đi, dẫn đến lương hưu rất thấp. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán mức hưởng là bao nhiêu để khuyến khích người dân tham gia BHXH. Và về lâu dài, nên khuyến khích người lao động đóng nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn”, ông Huân nói.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, sở dĩ có nhiều lao động rút BHXH một lần là do điều kiện sống của họ còn nhiều khó khăn, lương thấp. Do vậy, khi gặp khủng hoảng, lao động thường đi rút một lần để trang trải cuộc sống.

Ông Đồng cho rằng, nên có quy định thừa nhận sổ BHXH như một tài sản giống sổ đỏ nhà đất để họ có thể thế chấp vay mượn khi gặp khó khăn cấp bách. Nhà nước có thể chủ trì để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện việc này.

“Nếu làm được như vậy công nhân sẽ có tiền để giải quyết khó khăn trước mắt mà vẫn bảo lưu được thời gian đóng BHXH, không rời lưới an sinh. Bởi trên thực tế, dù pháp luật chưa cho phép nhưng tình trạng mua bán sổ BHXH vẫn diễn ra sôi nổi”, ông Đồng cho hay.

Theo ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần may Nam Hà, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm là phương án hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tính toán phương án đồng bộ, trong đó chú ý đến các chính sách hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn, đặc biệt là vay vốn, tiền lương. Nhiều lao động rút BHXH một lần do vấn đề khó khăn cấp bách, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ hạn chế được tình trạng rút một lần.

Theo Dương Hưng - Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên