Neo tỷ giá - Khi các NHTW "một tay che cả bầu trời"
Bài viết dưới đây sẽ giải thích chính sách neo tỷ giá là gì, và tại sao các nước lại phải “bóp méo” thị trường để giữ cho tỷ giá cố định.
- 18-08-2016Chiến tranh tiền tệ - Cuộc chiến không người thắng cuộc
- 14-06-2016Thị trường tiền tệ sắp dậy sóng?
- 17-03-2016Doanh nghiệp Trung Quốc “khốn đốn” vì biến động tỷ giá
Cuối cùng thì Nigeria đã thực hiện công việc đau đớn nhưng đã được mong đợi từ lâu.
Ngày 20/6, Nigeria chính thức dỡ bỏ chế độ neo tỷ giá đồng naira vào USD và tuyên bố theo đuổi cơ chế tỷ giá thả nổi. Những điều tiếp theo xảy đến với Nigeria sẽ là khởi đầu của câu chuyện dài lý giải tại sao các nước thường neo nội tệ của mình vào một đồng tiền mạnh và những lỗ hổng của cơ chế neo tỷ giá là gì.
Sau tuyên bố này, đồng naira đã giảm khoảng 30% so với đồng USD chỉ trong 1 ngày. Và sau đó lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Điều đáng nói là Nigeria đã không rút ra được bài học nào từ những thảm kịch mà các nước đã gặp phải trong quá khứ. Ở Thái Lan, động thái thả nổi tỷ giá thổi bùng lên khủng hoảng tài chính và cuối cùng còn lan rộng ra toàn châu Á. Ở Argentina, khi mà lạm phát cao đến nỗi người bán hàng phải dùng loa thông báo giá cả đang tăng lên theo từng phút, chính sách neo tỷ giá đã được tung ra.
Giới phân tích và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Nigeria đã làm điều đúng đắn, rằng thả nổi đồng naira là tốt cho nền kinh tế nước này trong dài hạn.
Để hiểu tại sao thả nổi tỷ giá lại là điều đúng đắn, trước tiên cần hiểu rõ chính sách neo tỷ giá là gì, và tại sao các nước lại phải “bóp méo” thị trường để giữ cho tỷ giá cố định.
Kỳ nghỉ ở London
Nếu bạn có kế hoạch đi nghỉ ở London vào ngày 23/6, chắc hẳn bạn đã tham khảo giá từ trước đó. Tổng chi phí cho phòng khách sạn, vé xem một số buổi biểu diễn ở West End và vé tàu tới Stonehenge rơi vào khoảng 1.000 bảng, tức khoảng 1.480 USD.
Tuy nhiên, sự kiện Brexit xảy ra khiến mọi thứ đảo lộn. Các cử tri Anh đã bất ngờ chọn con đường rời khỏi EU. Chỉ sau 1 đêm, giá trị của đồng bảng Anh giảm rất mạnh và chuyến đi tới London chỉ còn tiêu tốn của bạn 1.390 USD. Thậm chí vài ngày sau con số còn giảm xuống mức 1.290 USD. Mọi người đổ xô đi nghỉ ở London.
Đây là biểu đồ thể hiện diễn biến “điên rồ” của cặp tỷ giá GBP/USD trong những ngày đó, cũng là cách vận hành của hầu hết các đồng tiền. Giá trị của chúng có thể tăng vọt hay giảm sâu, phụ thuộc vào tình hình thế giới, vào kỳ vọng về sức mạnh của nền kinh tế và vào động thái của các nhà đầu tư.
Chế độ neo tỷ giá mang đến một câu chuyện hoàn toàn khác.
Nói một cách đơn giản, trong chế độ neo tỷ giá, giá trị của đồng tiền sẽ được cố định vào một đồng tiền khác, giống như hai đồng tiền được buộc vào nhau bởi một sợi dây do đó luôn biến động cùng nhau. Nếu nói theo ngôn ngữ kinh tế, đó là khi một NHTW kiểm soát giá trị đồng tiền một cách giả tạo và miễn cưỡng.
Tuy nhiên cơ chế neo tỷ giá khiến mọi thứ trở nên dễ đoán hơn. Ví dụ, thay vì tới London du lịch bạn chọn tới quốc gia Trung Đông Dubai. Đồng nội tệ dirham của Dubai đang được neo vào USD với mức tỷ giá 3,67 dirhams đổi 1 USD. Điều đó có nghĩa là chuyến đi 1.000 USD tới Dubai sẽ giữ nguyên trong 1 tuần, 1 tháng hay 1 năm sau đó, dù có bất cứ điều gì xảy ra với Mỹ, với UAE hay với kinh tế thế giới.
Và dưới đây là biểu đồ diễn biến của đồng naira. Trước ngày 20/6, nó chỉ là một đường nằm ngang.
Vậy thì tại sao một quốc gia phải thực hiện chế độ neo tỷ giá?
- Để làm cho mọi thứ dễ đoán hơn: nếu một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu (điển hình là những nước xuất khẩu dầu mỏ), chế độ neo tỷ giá giúp đảm bảo rằng họ không phải lo về việc tỷ giá lên hay xuống.
- Neo tỷ giá giúp các nước có chi phí sản xuất thấp giữ được lợi thế hàng xuất khẩu giá rẻ.
- Neo tỷ giá giúp giải quyết vấn đề siêu lạm phát, đặc biệt là khi nội tệ được neo vào những đồng tiền ổn định như euro hay USD.
Chế độ neo tỷ giá hoạt động ra sao?
Để giữ cho tỷ giá ổn định giả tạo, các nước phải triệt tiêu những tác động của thị trường bằng cách kiểm soát nguồn cung cầu tiền tệ.
Đôla Hồng Kông (HKD) là một đồng tiền được nhiều người theo dõi. Ủy ban tiền tệ Hồng Kông phải giám sát chặt chẽ diễn biến của HKD vốn được neo vào USD. Nếu nhu cầu về HKD lên cao, ủy ban này sẽ bắt đầu bán ra HKD.
Ngược lại, khi nhà đầu tư rút tiền ra khỏi Hồng Kông và ồ ạt bán ra HKD, ủy ban sẽ dùng dự trữ ngoại hối để mua vào.
Tuy nhiên không phải lúc nào mọi sự cũng theo dự tính.
- Neo tỷ giá có nghĩa là NHTW sẽ mất quyền kiểm soát đối với một vài công cụ điều hành tiền tệ cơ bản. Ví dụ, lãi suất ở Hồng Kông sẽ đi theo lãi suất Mỹ. Do đó khi Cục dự trữ liên bang Mỹ ngấp nghé điều chỉnh lãi suất, Hồng Kông chịu tác động không hề nhỏ. Và Hồng Kông cũng không thể tự ý tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
- Các NHTW phải tích trữ rất nhiều ngoại tệ để duy trì tỷ giá cố định. Điều này có thể đẩy tăng lạm phát và tình hình sẽ rất rối loạn nếu dự trữ cạn kiệt.
- Tỷ giá cố định là nguyên nhân khiến thị trường chợ đen hình thành.