Nếu Apple Store "đặt chân" đến Việt Nam, diện mạo sẽ như thế nào?
Theo TechCrunch, Apple đang cân nhắc lựa chọn Việt Nam và Indonesia là những địa điểm tiếp theo để mở cửa hàng chính hãng tại khu vực Đông Nam Á. Vậy những tiêu chuẩn mà Apple đặt ra cho địa điểm đặt cửa hàng chính hãng là gì?
- 26-10-2018Coca – Cola có kế hoạch xây nhà máy thứ 4 tại Hà Nội, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD
- 23-10-2018Chìa khóa nào để Việt Nam “hút” vốn đầu tư từ Nhật Bản hiệu quả
- 20-10-2018Tập đoàn Lotte đầu tư vào 100 startup Việt
Yêu cầu khắt khe đến từng chi tiết
Một nhân viên từng làm việc cho Apple chia sẻ, Apple đề ra những yêu cầu rất khắt khe để chọn một nơi đặt Apple Store. Họ thường tìm những nơi có mật độ giao thông qua lại đông, bao gồm số lượng lớn khách hàng mục tiêu của mình về tuổi tác, về mức độ chịu chi cho những sản phẩm của Apple.
Apple cũng rất chú trọng về "hàng xóm" của mình. Các cửa hàng xung quanh Apple Store đều phải là những thương hiệu cao cấp, nhưng không quá xa xỉ, nhiều người tiêu dùng vẫn có thể sở hữu được, tạo thành sức hút cộng hưởng giữa nhiều thương hiệu life-style khác nhau.
Không gian cửa hàng chính hãng của Apple cũng cần có sự đối xứng về vị trí địa lý (một hình chữ nhật với góc 90 độ hoàn hảo từ điểm nhìn bắt đầu tiêu chuẩn). Bên trong cửa hàng luôn sử dụng ít nhất có thể các chi tiết xây dựng làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của khách hàng như cột trụ.
Phần lớn các cửa hàng tại Mỹ của Apple thường được đặt bên trong các trung tâm thương mại, trong khi số khác đứng độc lập dọc theo những con phố đông đúc, nhộn nhịp hoặc các khu vực mua sắm.
Cửa hàng Apple tại Grand Central (New York)
Apple cũng có nhiều cửa hàng flagship được đánh giá như các công trình kiến trúc nổi bật, như biểu tượng hình khối thủy tinh Fifth Avenue tại New York, cửa hàng tại Quảng trường Union ở San Francisco, hay cửa hàng Regent Street tại Luân Đôn, Anh.
Thiết kế của những cửa hàng chính hãng thế hệ mới cũng được áp dụng rộng rãi tại nhiều Apple Store trên thế giới từ giữa năm 2015. Đây thường là những nơi có không gian rộng, trang trí với cây trong nhà, gỗ cây tùng cảm ứng dùng để đóng bàn và kệ trưng bày sản phẩm, màn hình lớn với độ phân giải 6K để minh họa sản phẩm cũng như các sự kiện truyền thông và hộp đèn dài gắn trên trần nhà. Bên cạnh đó, một Apple Store cũng được phân chia làm các khu vực tách biệt để trưng bày các dòng sản phẩm khác nhau.
Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu một cửa hàng chính hãng của Apple
Apple Store sắp được khai trương vào tháng 11 tới đây tại Thái Lan là cửa hàng chính hãng thứ 2 của Apple tại khu vực Đông Nam Á, sau cửa hàng tại Singapore mở vào năm ngoái, đặt viên gạch đầu tiên, đánh dấu sự hiện diện chính thức của gã khổng lồ công nghệ Mỹ tại đây. Đông Nam Á hiện có khoảng 650 triệu người sử dụng Internet, nhiều hơn cả dân số nước Mỹ.
Mặc dù chỉ là giọt nước nhỏ trong đại dương phủ sóng của Apple, Đông Nam Á lại là một trong số ít những khu vực trên thế giới có doanh số tiêu thụ điện thoại thông minh không ngừng tăng.
Những thiết bị của Apple chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường khu vực, chủ yếu là do giá cả cao và khó khăn trong vấn đề vận chuyển nên hãng này hoàn toàn có thể sẽ tập trung đẩy mạnh việc bán lẻ của mình.
Thống kê của Nielsen vào quý 4/2017 chỉ ra hơn 84% người dùng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sử dụng điện thoại thông minh. Ở các thành phố thứ cấp là 71%, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước trong khi tỷ lệ sử dụng smartphone ở khu vực nông thôn cũng vào gần 70% dân số.
Trong khi đó, báo cáo về thị trường quảng cáo di động quý 3/2017 được Adsota đưa ra cho thấy, có tới 32% thiết bị di động Việt Nam sử dụng hệ điều hành iOS, trong khi con số này trên toàn thế giới chỉ là 20%.
Mỗi khi có một sản phẩm mới của Apple được ra mắt là người dân Việt Nam lại sôi sục. Nhiều người còn chấp nhận trả giá cao để "rinh" được sản phẩm mới về tay nhanh nhất. Với mức thu nhập cá nhân ngày càng tăng, mức sống người dân cũng được cải thiện, từ đó "cơn nghiện" Apple của một bộ phận người Việt Nam sẽ phần nào được thỏa mãn khi có một Apple Store ngay chính tại đất nước mình.
Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều. Những khu phố mua sắm nhộn nhịp cũng dần xuất hiện phổ biến hơn. Vậy nên không có gì là không thể để Apple có thể tìm một vị trí đắc địa cho một cửa hàng chính hãng.
Với chiến lược mở rộng thị trường dần sang khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, cộng với sự phát triển nhanh đã được ghi nhận của Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng trong tương lai không xa, người Việt Nam có thể mua các sản phẩm của Apple ngay tại cửa hàng chính hãng trên đất nước mình mà không phải qua các đại lý ủy quyền, không chính hãng hay các kênh bán hàng điện tử nữa.